Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:39 (GMT +7)
Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động công chứng
Thứ 5, 24/03/2022 | 05:53:01 [GMT +7] A A
Những năm qua, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương, đưa hoạt động công chứng trên địa bàn Quảng Ninh dần theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân.
Bên cạnh việc tích cực tham mưu tổ chức thi hành, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, chính sách về công chứng và hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp còn tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản theo thẩm quyền để thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về công chứng đảm bảo thống nhất, hiệu quả, đưa các quy phạm pháp luật về công chứng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Theo đó, trên cơ sở triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch và Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành mới quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là biện pháp quản lý nhà nước hữu hiệu thay thế phương thức quản lý bằng “quy hoạch công chứng” trước đây. Các tiêu chí, nguyên tắc, thang điểm, cách thức xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng được xây dựng chặt chẽ, đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải có kiểm soát, phù hợp các chính sách phát triển đã xác định trong Nghị quyết 172/NQ-CP và trong điều kiện không còn quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.
Đặc biệt, để phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH, nhu cầu công chứng từng địa bàn, tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng (Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà), quy định đã có nhiều điểm “mở” nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập văn phòng công chứng đầu tiên khi không áp dụng tiêu chí đánh giá nhu cầu về số lượng hợp đồng, giao dịch mà thực hiện xét duyệt khi có hồ sơ đề nghị thành lập.
Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, trên cơ sở văn bản chỉ đạo, Sở Tư pháp đã sớm triển khai một số biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về công chứng như: Chỉ đạo, quán triệt các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh tuân thủ nghiêm nguyên tắc hành nghề công chứng; có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND các địa phương phối hợp phổ biến các quy định đặc thù của Luật Công chứng và nội dung Công văn 2589/VPCQCSĐT của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) để các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc và cơ quan, tổ chức, cá nhân đến giao dịch kịp thời nắm bắt, chủ động phòng ngừa rủi ro khi công chứng hợp đồng, giao dịch; đồng thời đề cao cảnh giác đối với loại tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu”.
Ngoài ra, triển khai chỉ đạo của tỉnh về việc kiềm chế, ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất trên địa bàn các địa phương trong tỉnh, Sở Tư pháp đã có văn bản yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, tăng cường nắm bắt thông tin về tình trạng pháp lý của các dự án đang triển khai trên địa bàn, xác định dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai, từ đó không công chứng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với các dự án khi chưa đủ điều kiện của Luật Kinh doanh bất động sản và các hợp đồng mua bán “treo”. Sở cũng yêu cầu công chứng viên phải tuân thủ nguyên tắc hành nghề công chứng, thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm...
Trước đó, nhằm hạn chế rủi ro, sai phạm, vi phạm trong thực hiện công chứng giao dịch, hợp đồng, Sở đã chủ động rà soát, trình UBND tỉnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, căn cứ các quy định hiện hành đưa nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng vào lộ trình xây dựng Đề án chính quyền số tỉnh Quảng Ninh.
Được biết, từ năm 2016 đến hết năm 2021, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã công chứng 413.859 việc, chứng thực trên 1,5 tỷ việc, qua đó nộp ngân sách trên 28,4 tỷ đồng. Có thể thấy, hoạt động công chứng đã phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi tham gia hợp đồng, giao dịch.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()