Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:37 (GMT +7)
Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng
Thứ 3, 05/12/2023 | 10:00:42 [GMT +7] A A
Thời gian qua, hoạt động công chứng tại Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 29 tổ chức hành nghề công chứng (2 Phòng công chứng và 27 Văn phòng công chứng) với 71 công chứng viên đang hành nghề. Đội ngũ công chứng viên tại các tổ chức hành nghề công chứng phát triển đáng kể về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc, phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng ngày càng cao của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Trong những năm qua, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương; tích cực tham mưu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thi hành các văn bản pháp luật, chính sách về công chứng và hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản theo thẩm quyền để thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về công chứng; thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về công chứng theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với Hội Công chứng viên tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng…
Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên được quan tâm thực hiện hàng năm. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào những vấn đề thiết thực, sát với thực tiễn hành nghề công chứng tại địa phương như: quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo Luật Đất đai, những điểm mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Hôn nhân và Gia đình, một số nội dung cơ bản trong Bộ luật Dân sự liên quan đến hoạt động công chứng (các quy định về quyền tài sản, quyền thừa kế, quyền nhân thân, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề...), giải đáp những khó khăn, vướng mắc của hoạt động công chứng phát sinh từ thực tiễn hiện nay.
Hội Công chứng viên tỉnh đã phát huy được vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công chứng viên hành nghề trên địa bàn tỉnh; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
Năm 2023, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng 79.277 việc; chứng thực 714.271 bản sao, 24.855 chữ ký, đóng góp hàng tỷ đồng cho NSNN. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, mặc dù hoạt động công chứng trên địa bàn có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn không ít vướng mắc, tồn tại. Các tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu tập trung tại đô thị, địa bàn đông dân cư, kinh tế phát triển, trong khi một số địa bàn cấp huyện chưa phát triển được tổ chức hành nghề công chứng; việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng còn chậm; vẫn còn tình trạng vi phạm trong hoạt động…
Nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Đặc biệt, ngày 16/11/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án "Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025".
Mục tiêu cụ thể của đề án là chú trọng tăng cường quản lý nhà nước về công chứng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tất cả các hoạt động liên quan đến thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động… của tổ chức hành nghề công chứng phải đảm bảo quy định của pháp luật, phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ngoài ra, tỉnh cũng đặt mục tiêu 100% công chứng viên đảm bảo đủ điều kiện năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức hành nghề công chứng; 100% công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng hằng năm; 100% tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh bảo đảm ổn định, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển được các tổ chức hành nghề công chứng tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đề án cũng xây dựng 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng. Theo đó, tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về công chứng; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; phát triển tổ chức hành nghề công chứng và đội ngũ công chứng viên; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động; tăng cường trách nhiệm tự quản của hội Công chứng viên; các điều kiện đảm bảo nguồn lực.
Tỉnh cũng giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ (nếu thấy cần thiết) đối với những văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh theo quy định.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()