Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:03 (GMT +7)
Tăng cường quản lý môi trường đô thị
Thứ 3, 27/04/2021 | 09:40:45 [GMT +7] A A
Những năm qua, việc mở rộng đô thị tại một số địa phương, các hoạt động khai thác, kinh doanh than, phát triển nhiệt điện, du lịch... đã gây sức ép không nhỏ đối với môi trường, nhất là môi trường khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Bằng nhiều cách làm, tỉnh đã huy động, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các thành phần trong xã hội cùng chung tay, hưởng ứng trong công tác bảo vệ môi trường, đạt được kết quả quan trọng.
Hệ thống máy phun sương dập bụi cao áp được Công ty CP Than Cọc Sáu lắp đặt tại khu sàng 1. Ảnh: Phạm Tăng |
Nhằm nâng cao hiệu quả pháp lý trong quản lý, bảo vệ môi trường đô thị, tỉnh ban hành Quyết định số 5535/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đó lồng ghép các chương trình kế hoạch về phát triển đô thị xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời xây dựng quy trình, hướng dẫn thực hiện lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh. Sở TN&MT tổ chức nhiều hội thảo hướng dẫn xây dựng cho các sở, ban, ngành, địa phương; tăng cường công tác quản lý đối với các nguồn thải trong khu vực đô thị; yêu cầu nước thải xả ra khu vực tiếp nhận là sông, suối, ao, hồ có mục đích cấp nước sinh hoạt phải được thu gom, xử lý đạt cột A của các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường tương ứng.
Cùng với đó, tháng 7/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2476/QĐ-UBND quy định 6 Quy chuẩn kỹ thuật môi trường trên địa bàn tỉnh gồm: Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước mặt; chất lượng nước biển ven bờ; chất lượng nước thải công nghiệp; chất lượng không khí xung quanh; khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ; khí thải công nghiệp sản xuất xi măng.
Công viên Hạ Long. Ảnh: Hoàng Nga |
Sau khi các quy chuẩn được ban hành, Sở TN&MT lồng ghép các quy định liên quan đến áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh vào quá trình thẩm định, trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án.
Trong hoạt động sản xuất, các cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải lớn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải pháp quản lý mới, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ trong việc giảm thiểu phát sinh bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử, trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh than, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xây dựng và triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than, giai đoạn 2017-2018. Chỉ tính trong năm 2020, các đơn vị thành viên TKV tiếp tục triển khai đầu tư lắp đặt thêm hàng chục máy phun sương dập bụi, xe tưới đường mỏ chuyên dùng công suất lớn; đưa vào vận hành tuyến đường sắt vận chuyển xít thải ngược mỏ...
Các đơn vị sản xuất xi măng đều đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi, lọc bụi tay áo để xử lý bụi khí thải; định kỳ bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp hệ thống… nhằm giảm thiểu bụi phát sinh ra môi trường. Các đơn vị ngành nhiệt điện đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động; lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý lưu huỳnh từ khi bắt đầu đi vào vận hành… Tỉnh cũng chấm dứt hoạt động các lò sản xuất vôi thủ công từ tháng 6/2019; các cơ sở sản xuất gạch, ngói, gốm sứ trên địa bàn tỉnh đều chuyển đổi công nghệ đốt sang dùng khí hóa than, lắp đặt hệ thống xử lý bụi để giảm thiểu bụi, khí thải ra môi trường.
Công nhân Công ty CP Đầu tư môi trường đô thị Quảng Ninh thu gom rác tại khu 4, phường Hồng Hà (TP Hạ Long). Ảnh: Thu Nguyệt |
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường đô thị còn có sự vào cuộc tích cực của các địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm và triển khai nhiều giải pháp để thực hiện. Một số địa phương đã xây dựng quy chế, đề án nhằm cụ thể hóa thường xuyên các quy định bảo vệ môi trường; chỉnh trang đô thị, trồng cây xanh, đầu tư các dự án hạ tầng bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...
Theo số liệu quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh từ năm 2016-2020, kết quả quan trắc không khí tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu vực lân cận các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện, sản xuất than… trên địa bàn tỉnh chưa có dấu hiệu ô nhiễm khí độc, bụi. Đến hết năm 2020, cơ bản các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên tai, phòng chống thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu đều hoàn thành và vượt, là động lực thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Mặc dù vậy, công tác quản lý môi trường đô thị vẫn còn một số tồn tại: Hàm lượng thông số như bụi qua các năm đang có dấu hiệu gia tăng tại một số khu vực lân cận các cơ sở sản xuất (các khí độc biến động tăng giảm không đáng kể); việc xử lý nước thải chưa đạt mục tiêu... Nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, hướng đến đô thị xanh, sạch đẹp, đồng thời hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu về môi trường đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, mới đây, tỉnh có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, nghiên cứu triển khai các giải pháp về quy hoạch, đề án, dự án; bố trí kinh phí hàng năm để triển khai các hạng mục, phấn đấu hoàn thành mục tiêu; lập quy hoạch, thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn…
Với cách làm đồng bộ, hiệu quả, sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân trong công tác bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường sống tại các đô thị, khu dân cư tiếp tục được cải thiện, ngày một nâng cao.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()