Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:34 (GMT +7)
Tăng cường quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước
Thứ 5, 16/02/2023 | 06:49:29 [GMT +7] A A
Song hành với tăng cường thu NSNN, UBND tỉnh cũng đang tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện chi NSNN. Qua đó đảm bảo chi đúng, chi đủ, tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.
Năm 2023, tổng chi ngân sách địa phương của tỉnh trên 31.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn dành cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển là 13.200 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 8.643 tỷ đồng, ngân sách huyện là 4.557 tỷ đồng), giảm 1.340 tỷ đồng so với dự toán được HĐND tỉnh giao đầu năm 2022; chi thường xuyên là 16.470 tỷ đồng (chi thường xuyên ngân sách tỉnh 7.795 tỷ đồng, chi thường xuyên ngân sách huyện, xã là 8.675 tỷ đồng); chi từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu 1.360 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 136/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh, nguồn vốn chi đầu tư phát triển ngân sách tỉnh sẽ được phân bổ kế hoạch vốn cho 14 dự án hoàn thành, 50 dự án chuyển tiếp, 9 dự án khởi công mới, hỗ trợ các địa phương theo tiêu chí chấm điểm, hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư.
Khác với chi đầu tư phát triển có số lượng giảm, năm nay, chi thường xuyên ngân sách tỉnh, huyện, xã tăng 3.221 tỷ đồng so với dự toán được HĐND tỉnh giao đầu năm 2022. Trong đó, kinh phí tự chủ tăng 145 tỷ đồng, kinh phí không tự chủ tăng 6 tỷ đồng, kinh phí thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm khác của tỉnh tăng 2.846 tỷ đồng… Nguyên nhân được xác định là: Hoạt động của trạm y tế xã, phường chuyển từ nhiệm vụ chi ngân sách địa phương về ngân sách tỉnh, tăng định mức chi cho ngành giáo dục - đào tạo, tăng kinh phí tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.
Để đảm bảo các nguồn chi NSNN năm 2023 đúng luật, UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo với cơ chế, biện pháp điều hành chấp hành nghiêm Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý tài chính - ngân sách, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng NSNN trong quá trình điều hành chi ngân sách phải theo dự toán được giao, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm” ngay từ khâu xác định nhiệm vụ chi, lập dự toán; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe công, hội nghị, hội thảo và các khoản chi không cần thiết để bổ sung chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Đơn vị đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh điều hành, thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong lĩnh vực đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp và các chủ đầu tư trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt và triển khai dự án theo quy định của pháp luật; quyết định chủ trương đầu tư khi đã thẩm định làm rõ nguồn vốn, khả năng bố trí vốn cho từng dự án và bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng NSNN. Đặc biệt, cần tổ chức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, máy móc, thiết bị bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện thu hồi, thanh lý tài sản công khi được nhà nước đầu tư xây dựng trụ sở mới hoặc trụ sở khác để thay thế phải công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết tiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, không để xảy ra thất thoát vốn nhà nước.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()