Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:58 (GMT +7)
Tăng cường phòng chống và cai nghiện ma túy
Thứ 5, 20/10/2022 | 06:45:05 [GMT +7] A A
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và địa phương, sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, những năm qua, trong công tác phòng chống và cai nghiện ma túy tại Quảng Ninh đã đạt kết quả tích cực, tạo điều kiện cho người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo ông Lê Văn Sử, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH: Xác định tuyên truyền, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hiệu quả trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Sở đã tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là tác hại và hậu quả của tệ nạn ma túy, nghiện ma túy và các hình thức, biện pháp cai nghiện, giảm hại, nhằm phòng ngừa, hạn chế tiến tới giảm phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, đảm bảo nội dung tuyên truyền theo hướng đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, có chiều sâu, thiết thực, phù hợp; đa dạng các đối tượng tuyên truyền, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc tệ nạn ma túy là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động trong các khu công nghiệp, người dân tại địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy.
Từ khi có Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức gần 300 hội nghị tuyên truyền, quán triệt các nội dung của chỉ thị và triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy; kết hợp tuyên truyền, tập huấn kỹ năng tư vấn, tiếp cận, vận động người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, phổ biến các chính sách ưu đãi của nhà nước, của tỉnh đối với công tác cai nghiện trong tình hình mới; cấp phát 123.500 tài liệu tuyên truyền, tập huấn; phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa hơn 100 tin bài, hội nghị tọa đàm, phóng sự...
Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, các lực lượng chức năng đã chủ động điều tra, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy, trấn áp, đấu tranh, kiên quyết không để tội phạm ma túy lợi dụng địa bàn Quảng Ninh làm nơi trung chuyển ma túy, không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy bức xúc trong nhân dân… Giai đoạn 2019-2022, toàn tỉnh đã bắt giữ, xử lý hình sự 1.646 vụ/2.656 đối tượng phạm tội về ma túy; xử lý hành chính 106 vụ/1.044 đối tượng, xử phạt 1,1 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt công tác cai nghiện ma túy tập trung được xác định là mũi nhọn trong công tác cai nghiện ma túy của tỉnh. Quảng Ninh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù như hỗ trợ toàn bộ chi phí cai nghiện cho người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; hỗ trợ, động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên, người lao động làm công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và các địa phương; hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng...
Từ tháng 12/2019 đến 15/6/2022, toàn tỉnh đã tổ chức điều trị, cai nghiện ma túy cho 3.743 lượt người, trong đó 2.300 lượt người cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh; 413 người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; 1.030 người được điều trị thay thế bằng methadone tại 5 cơ sở điều trị do Sở Y tế quản lý.
Toàn tỉnh duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động 6 mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng, 10 CLB Hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng, 25 đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã. Trong giai đoạn 2020-2021, các mô hình đã tiếp cận, tư vấn cho 2.881 lượt khách hàng là người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện và gia đình người nghiện về các hình thức cai nghiện, kiến thức dự phòng tái nghiện, kiến thức về chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; tư vấn, hỗ trợ 569 lượt người lựa chọn biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp; kết nối, chuyển gửi 318 lượt người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy đến các dịch vụ điều trị, cai nghiện và chăm sóc sức khỏe; tổ chức 95 buổi sinh hoạt nhóm, 34 buổi toạ đàm, tuyên truyền cho gần 2.300 lượt người tham dự...
Thông qua hoạt động của các mô hình đã gắn kết, tạo điều kiện cho các thành viên quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, các mối quan hệ giữa thành viên với chính quyền, đoàn thể địa phương đã có những chuyển biến tích cực tạo cho người nghiện có được quyết tâm từ bỏ ma tuý, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tăng cường sự tiếp cận của người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, năm 2021, tỉnh ban hành kế hoạch về đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện.
Đơn cử, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 10 ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động; tổ chức 5 buổi cung cấp thông tin thị trường lao động cho đối tượng cai nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tư vấn, định hướng học nghề, cơ hội để tìm việc làm sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện cho hơn 1.000 học viên; phối hợp tổ chức dạy nghề sơ cấp cho hơn 600 học viên cai nghiện tại cơ sở. Các địa phương đã lồng ghép thực hiện tuyên truyền chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm cho 1.429 lượt người lầm lỗi tại địa phương...
Anh Phạm Tất Nghĩa, Chủ tịch CLB Bạn giúp bạn (phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả) chia sẻ: CLB được thành lập từ tháng 8/2016, thành viên là những người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện, người sau cai nghiện trở về địa phương. Để các thành viên dần xóa bỏ tự ti, mặc cảm, lập nghiệp phát triển kinh tế, CLB thường xuyên trò chuyện, hỗ trợ nhau phòng chống tái nghiện, hỗ trợ việc làm, giới thiệu khách hàng, hay tổ chức các hoạt động như thăm hỏi, động viên, phát triển hội viên, tham gia các phong trào của đoàn thể... Những hoạt động đó đã giúp gắn kết các thành viên trong CLB cùng vươn lên, hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, song công tác phòng chống tội phạm và cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt được những hiệu quả hết sức khả quan. Trên địa bàn tỉnh không còn những điểm nóng, các ổ nhóm lớn buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; người cai nghiện khi trở lại cộng đồng đã được tạo điều kiện để phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()