Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:42 (GMT +7)
Tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ trong dịp hè
Thứ 5, 26/05/2022 | 10:34:07 [GMT +7] A A
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm, trên địa bàn cả nước có hơn 2.800 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước. Với Quảng Ninh - tỉnh có nhiều sông, suối, hồ, biển... đuối nước ở trẻ vẫn xảy ra hàng năm. Riêng năm 2021, trên địa bàn tỉnh có tới 41 trẻ tử vong do tai nạn đuối nước. Bởi vậy, phòng chống đuối nước cho trẻ em luôn được tỉnh quan tâm.
Một trong những địa phương có giải pháp tích cực trong hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em phải kể đến Đông Triều. Hàng năm, thị xã duy trì tốt các mô hình phòng chống đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh. Phòng GD&ĐT, Phòng VH-TT, UBND các xã, phường của thị xã phối hợp huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống bể bơi di động trên địa bàn, hướng dẫn các trường học quản lý, sử dụng và vận hành hiệu quả hệ thống bể bơi lắp ghép... Hiện Đông Triều có hơn 30 bể bơi, trong đó 21/21 xã, phường đều có bể bơi di động đặt tại các trường THCS, tiểu học. Trên cơ sở này, Phòng GD&ĐT phối hợp cùng Đoàn Thanh niên thị xã thường xuyên tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ.
Thị xã còn tổ chức các giải bơi cho các nhóm tuổi trên địa bàn, huy động lực lượng giáo viên tham gia các lớp tập huấn phổ cập bơi và phòng chống đuối nước; huy động lực lượng học sinh của các trường trên địa bàn tích cực tham gia các giải bơi. Trong những năm gần đây, Đông Triều có 23.460 học sinh tham gia các lớp bơi và được trang bị kiến thức về phòng chống đuối nước, đưa tỷ lệ học sinh TH-THCS trên địa bàn thị xã biết bơi đạt hơn 50%.
Không chỉ có Đông Triều mà công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em luôn được các ngành liên quan, các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu, nhất là trong dịp hè. Các sở, ngành phối hợp tốt cùng các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 37-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho người dân và khách du lịch trên địa bàn; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 25/5/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT; phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trên địa bàn.
Tỉnh, các địa phương, các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, nhà trường, phụ huynh, học sinh về phòng, chống đuối nước cho trẻ. Hàng năm, Sở VH-TT, Sở GD&ĐT phối hợp mở các lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước và phương pháp sơ cấp cứu người bị tai nạn đuối nước cho giáo viên cốt cán các trường phổ thông. Từ năm 2015 đến nay, có hơn 27.000 lượt người lớn và trẻ em được truyền thông và tập huấn kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, sơ cứu đuối nước. Năm 2021, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho 100 giáo viên cốt cán khối tiểu học và 5 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh với 125 học sinh tham gia về kỹ năng phòng, chống đuối nước học sinh và thực hiện chương trình “Hè vui khỏe 2020”. Tất cả các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn đều cử cán bộ quản lý, giáo viên nòng cốt tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích.
Các địa phương cũng chỉ đạo các trường học trên địa bàn vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là trong dịp hè. Qua đó, từ năm 2012 đến nay đã tư vấn, ký cam kết đạt ngôi nhà an toàn cho 18.157 hộ gia đình.
Nhiều địa phương bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, trong đó triển khai chương trình “Bể bơi cho em”. Tiêu biểu TX Đông Triều như đã nêu ở phần trên; hay như TX Quảng Yên bố trí ngân sách đầu tư lắp đặt 17 bể bơi thông minh trị giá hơn 7 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 60 bể bơi các loại được xây dựng và lắp đặt trong các trường học. Hàng năm, Sở VH-TT, Đoàn thanh niên các cấp phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động hè, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... duy trì trên 1.500 điểm sinh hoạt hè với nhiều hình thức để trẻ em có chỗ vui chơi, tránh chơi ở ao, hồ, sông, suối. Đồng thời các địa phương cũng tổ chức nhiều lớp dạy bơi cho trẻ. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 439 lớp bơi cho 5.897 trẻ từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ và trên 2.000 lớp học bơi cho gần 40.000 lượt trẻ từ nguồn xã hội hóa.
Các địa phương còn thường xuyên tiến hành rà soát những khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ, như: Làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn, công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại cơ sở; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời đối với gia đình có trẻ bị tử vong do đuối nước.
Mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước, tuy nhiên, hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn có hàng chục trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước, trong đó phần lớn nguyên nhân do sự bất cẩn, thiếu giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ khi để trẻ em tự do vui chơi ở những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ... Do đó bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể thì quan trọng vẫn là sự vào cuộc của mỗi gia đình trong phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()