Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:41 (GMT +7)
Tăng cường phòng bệnh dại
Thứ 3, 25/05/2021 | 15:28:53 [GMT +7] A A
Nắng nóng mùa hè cũng là thời điểm vi rút gây bệnh dại trên vật nuôi phát triển. Tuy nhiên, vẫn nhiều người chủ quan trong phòng bệnh dẫn đến chó, mèo cắn người làm truyền nhiễm vi rút dẫn đến tử vong.
Đến giờ, nhiều người dân trên địa bàn huyện Hải Hà vẫn nhớ cái chết thương tâm của cháu bé 7 tuổi ở thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà vào tháng 3/2020. Trước đó khoảng 2 tháng, cháu bé sang nhà hàng xóm chơi và bị con chó cắn vào ngón tay phải. Vết thương chỉ được rửa bằng xà phòng, không được tiêm phòng vắc xin. Vào cuối tháng 3/2020, cháu bé có hiện tượng sốt, khó thở, sợ nước được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện, sau đó chuyển lên Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh và được lấy mẫu xét nghiệm dịch nước bọt, kết quả dương tính với virus dại. Cháu bé đã tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, bệnh dại do vi rút hướng thần kinh từ chó, mèo, chuột… mang mầm bệnh truyền sang người qua vết cắn, cào, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của con vật mắc bệnh. Bệnh này nguy hiểm cho tính mạng con người bởi khi phát bệnh, người bệnh không thể cứu chữa được. Chính bởi vậy, công tác phòng, chống bệnh rất quan trọng.
Trước sự nguy hiểm của bệnh, hàng năm, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật nuôi. Tháng 7/2017, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý, trong đó quy định: Không tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt tiền từ 600.000- 800.000 đồng... Hàng năm, các phường, xã đều thông báo đến từng hộ dân về việc khai báo nuôi chó, mèo; đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại theo quy định.
Các ngành, địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách nhận biết động vật mắc bệnh dại, cách xử lý khi bị chó, mèo cắn… Tăng cường công tác tư vấn, truyền thông cộng đồng về phòng chống bệnh dại. Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại đối với vật nuôi, người được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang website của các ngành liên quan; được phát trên hệ thống loa truyền thông tại các địa phương... Trong năm 2020, hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại, các địa phương đã tổ chức phát 550 lượt truyền thông trên loa đài, treo 200 poster, phát 1.000 tờ rơi về phòng, chống bệnh dại.
CDC tỉnh đã phối hợp cùng các trung tâm y tế, phòng y tế các địa phương tăng cường phòng chống bệnh dại trên toàn tỉnh, đặc biệt tại Hải Hà, Móng Cái, Tiên Yên; giám sát, hướng dẫn chỉ đạo xử lý ổ dịch dại tại Hải Hà. Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh cũng phối hợp cùng CDC tỉnh xử lý ổ dịch, công tác phòng chống bệnh dại trên đàn chó.
Việc tiêm phòng cho chó, mèo cũng được triển khai mạnh. Năm 2020, toàn tỉnh tiêm gần 80.000 liều vắc xin dại cho gia súc, vật nuôi, trong đó chủ yếu là chó mèo. Cả 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã có điểm tiêm phòng dại trên người. Việc cung ứng vắc xin phòng dại trên người luôn được đảm bảo. Năm 2020, hầu hết các điểm tiêm chủng đều cung ứng đủ vắc xin theo nhu cầu sử dụng của người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm như năm 2019.
Tuy nhiên, thực tế nhiều hộ dân vẫn cố tình giấu giếm, không khai báo, không đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại đầy đủ. Đặc biệt, hiện tượng thả rông dẫn đến chó, mèo cắn người vẫn khá phổ biến từ thành thị đến khu vực nông thôn. Trong khi nhiều xã, phường, thị trấn dù được giao nhiệm vụ nhưng vẫn buông lỏng hoặc không quản lý, kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm. Theo thống kê của CDC tỉnh, năm 2020, toàn tỉnh có 4.300 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (chủ yếu bị chó cắn).
Vì vậy, để đối phó hiệu quả với bệnh dại, các địa phương cần được thực hiện thường xuyên, liên tục hơn việc truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân. UBND cấp xã cần thực hiện nghiêm việc kiểm tra, bắt chó thả rông và xử lý các trường hợp vi phạm về nuôi chó theo đúng quy định của Nhà nước. Mỗi người dân khi nuôi chó, mèo phải có trách nhiệm hơn đối với sức khoẻ của cộng đồng. Người bị chó, mèo cắn phải đến cơ sở y tế khám và thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()