Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:19 (GMT +7)
Tăng cường phòng cháy chữa cháy
Thứ 4, 21/07/2021 | 06:27:26 [GMT +7] A A
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy, nổ, gây thiệt hại tài sản trên 3,9 tỷ đồng và 11,9ha rừng sản xuất, trong số này có 14 vụ là cháy dân sự. Theo đánh giá của Công an tỉnh, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh được kiềm chế; thiệt hại về tài sản do cháy trong dân sự giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của phong trào toàn dân PCCC, trong đó duy trì tốt mô hình Đội PCCC khu dân cư gắn với các mô hình khu dân cư an toàn về PCCC.
Đến nay, toàn tỉnh có 800 Đội PCCC khu dân cư, với gần 11.000 đội viên. Các đội phối hợp tốt với lực lượng PCCC chuyên nghiệp, trực tiếp giải quyết nhiều tình huống cháy nổ khi mới phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ”, góp phần ngăn chặn, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng... Lực lượng nòng cốt tham gia Đội PCCC khu dân cư chủ yếu là khu trưởng, bảo vệ dân phố, trật tự viên, dân quân tự vệ, cựu chiến binh, thanh niên xung kích... Họ là "cánh tay nối dài" của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH; giúp nâng cao nhận thức, ý thức tự phòng, tự bảo vệ trong quần chúng nhân dân, chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ trong khu dân cư.
Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, thời gian qua các địa phương trong tỉnh còn tập trung tuyên truyền, phổ biến tới mọi tầng lớp nhân dân về Luật PCCC, các biện pháp phòng ngừa, xử lý cháy, nổ tại chỗ... Công tác tuyên truyền tập trung vào trách nhiệm của chủ hộ gia đình, người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; biện pháp PCCC; các hành vi bị nghiêm cấm, hành vi vi phạm quy định về PCCC; việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy nổ, thiết bị có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt; xử lý khi xảy ra cháy nổ tại hộ gia đình; kỹ năng thoát nạn, cứu nạn cứu hộ và cách sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng...
Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an các địa phương đã tổ chức 305 buổi tuyên truyền pháp luật, kỹ năng về PCCC&CNCH cho gần 36.500 lượt người. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra an toàn PCCC theo chuyên đề, đột xuất, định kỳ, lực lượng chức năng của tỉnh cũng lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở, đơn vị thực hiện nghiêm nội dung về an toàn PCCC. Qua công tác kiểm tra còn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, mất an toàn trong bảo đảm an toàn PCCC&CNCH; hướng dẫn, yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... cam kết khắc phục kịp thời, hạn chế tối đa các nguy cơ gây cháy, nổ.
Thông qua đó, hầu hết chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động trang sắm thêm trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy; xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ, gắn với việc học tập, thực hành thao tác dập cháy khi có hỏa hoạn xảy ra; tích cực rèn luyện kỹ năng, cách ứng biến sát với các tình huống sự cố cháy, nổ...
Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng cao điểm, nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất lớn. Để phong trào "Toàn dân tham gia PCCC" hoạt động có hiệu quả và thực chất, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục nhân rộng những mô hình PCCC, trong đó huy động sự tham gia tích cực của người dân.
Để bảo đảm an toàn PCCC trong mùa nắng nóng, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo các biện pháp an toàn tại hộ gia đình như sau:
1. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: Cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn. 2. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm. 3. Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. 4. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. 5. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. 6. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan. 7. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. 8. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Khi đun nấu phải có người trông coi. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()