Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:25 (GMT +7)
Tăng cường phổ biến pháp luật bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Thứ 3, 23/05/2023 | 08:23:44 [GMT +7] A A
Xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng, người dân, ngư dân trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các cơ quan, đơn vị và địa phương của Quảng Ninh đã chú trọng thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ rệt, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong nhân dân, ngư dân trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền được các cơ quan, đơn vị và địa phương chú trọng xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, được thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm trên tất cả các hạ tầng truyền thông. Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa, nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là khai thác IUU), quy định về xử lý, xử phạt vi phạm pháp luật để người dân không sử dụng các công cụ, dụng cụ cấm sử dụng khai thác dẫn tới tận diệt nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường...
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương như Sở NN&PTNT, TP Hạ Long, TX Quảng Yên, huyện Hải Hà, TP Cẩm Phả tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại để giải thích, tuyên truyền và vận động ngư dân thực hiện nghiêm các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh về tàu cá, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, đối thoại... đã giúp các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ngư dân khai thác thủy sản hiểu về ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quyền, lợi ích và trách nhiệm trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các hoạt động tuyên truyền cũng được thực hiện lồng ghép thông qua các hoạt động chuyên môn (thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính...); tuyên truyền qua hoạt động tham gia hưởng ứng các ngày lễ về môi trường; xây dựng tin bài, phóng sự trên các kênh thông tin; tuyên truyền qua ấn phẩm, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu...
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phần lớn ngư dân đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ đó có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi như chấp hành quy định về chống khai thác IUU, đặc biệt ngư dân khai thác ven bờ (lực lượng chính tác động làm suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản) đã nhận thức, tự giác giảm thiểu các vi phạm mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản và gây ô nhiễm môi trường, có nhiều hành động, việc làm tích cực trong việc phục hồi, tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Từ năm 2017 đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 17.778 đợt tuyên truyền phổ biến các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho 336.964 lượt người, xây dựng trên 891 phóng sự, tin, bài, biên soạn và in ấn 444.150 tài liệu các loại. Riêng năm 2022, đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp cho hơn 105.000 lượt ngư dân; đăng tải 1.315 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin; in ấn, cấp phát trên 177.000 tờ rơi, áp phích, bộ tài liệu; tổ chức 28 hội nghị tuyên truyền, đối thoại cho hơn 4.500 lượt ngư dân, 75 lớp tập huấn cho 3.408 người; in sao cung cấp 200 đĩa hình; 497 băng rôn, khẩu hiệu.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các lực lượng tổ chức nhiều đợt ra quân, tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong 5 năm (2027-2022), các lực lượng phát hiện, xử lý trên 8.250 vụ vi phạm, thu phạt, nộp ngân sách nhà nước trên 48,46 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2023, các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, qua đó kịp thời xử lý vi phạm của các ngư dân, tàu cá trong hoạt động khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Riêng Sở NN&PTNT, trong tháng 4 đã tổ chức thực hiện 4 cuộc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó, đã kiểm tra, kiểm soát 26 phương tiện tàu cá, phát hiện và xử phạt 12 trường hợp vi phạm với tổng số tiền thu phạt 136 triệu đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm, đơn vị đã xử phạt 61 trường hợp, tổng số tiền thu phạt 665,5 triệu đồng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, qua hoạt động tăng cường tuần tra kiểm soát trên các vùng biển, các vi phạm pháp luật về thủy sản được ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời, đặc biệt một số vi phạm nghiêm trọng như sử dụng chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản đã không còn, vi phạm về sử dụng xung điện cũng giảm lớn và một số nghề cấm như te xiệp, lồng xếp, đăng đó... chỉ còn nhỏ lẻ.
Mới đây, ngày 12/5, Sở NN&PTNT đã đồng chủ trì cùng 5 Sở NN&PTNT của Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa ký kết kế hoạch phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác và chống khai thác IUU giai đoạn 2023-2025. Thông qua ký kết kế hoạch phối hợp, nhằm tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm các quy định trong khai thác thủy hải sản.
Theo kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 gắn với phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên địa bàn Quảng Ninh thì nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cần tập trung thực hiện có hiệu quả, thực chất.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()