Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 14:31 (GMT +7)
Tăng cường phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Thứ 6, 06/01/2023 | 11:19:01 [GMT +7] A A
Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng gia tăng, tạo áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường của địa phương. Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường triển khai các giải pháp phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trong 2 năm qua, gia đình bà Vũ Thị Thơm (thôn 4, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà) đã thực hiện hiệu quả việc phân loại, xử lý rác thải tại gia đình do hội phụ nữ huyện phát động. Đối với rác thải sinh hoạt, gia đình bà Thơm đã phân loại những loại rác thải nhựa, giấy vụn để bán tái chế. Còn những loại rác hữu cơ như vỏ trái cây, gốc rau, lá cây, cỏ dại, thức ăn thừa... được ủ thành phân bón cho khu vườn cây ăn quả của gia đình.
Bà Thơm chia sẻ: Quy trình ủ phân vi sinh rất đơn giản, chỉ cần xây hố ủ bằng gạch tại góc vườn, có nắp đậy chuyên dùng để ngăn triệt để mùi hôi bay ra ngoài, tránh ruồi muỗi. Rác hữu cơ sau thu gom vào hố ủ được trộn cùng chế phẩm men vi sinh, chuyển hóa thành các chất mùn tơi xốp, sau 2-3 tháng có thể dùng để bón cây. Nhờ sử dụng phân vi sinh, vườn cây ăn quả hơn 5.000m2 của gia đình phát triển tốt. Thực hiện quy trình ủ phân này vừa bảo vệ môi trường, vừa có lượng phân rất tốt cho cây trồng.
Hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình gắn với xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh đã được hội phụ nữ các cấp triển khai với 252 mô hình, có trên 4.800 hộ tham gia xây dựng các hố, bể ủ phân vi sinh. Qua đó đã thu được trên 300 tấn phân vi sinh, tương đương với số rác thải hữu cơ khoảng 3.200 tấn. Các mô hình về phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh hiện đang được triển khai hiệu quả tại hội phụ nữ các địa phương Móng Cái, Hạ Long, Đông Triều, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn.
Có thể thấy, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã và đang được hội phụ nữ các cấp triển khai thực hiện triệt để, giảm lượng rác thải ra môi trường và giảm đáng kể chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tập trung.
Mô hình "Biến rác thành tiền" được triển khai tại 100% hội phụ nữ cấp huyện, cơ sở và 89,7% chi hội, thu hút được trên 41.000 hộ gia đình tham gia. Trong năm 2022, mô hình đã thu được gần 600 triệu đồng, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hội phụ nữ, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương.
Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tiếp tục được duy trì hiệu quả. Trong năm 2022, các cơ sở hội đã thu hút trên 365.000 lượt người tham gia, thu gom 605 tấn rác thải các loại, làm sạch trên 1.636km đường thôn, khu, nhà văn hóa, các điểm công cộng…
Từ năm 2021, Công ty xi măng Vicem Hạ Long đã thực hiện triển khai thí điểm việc tái sử dụng rác thải. Các loại vải, giấy, nhựa, giày dép được đơn vị thu gom từ một số nhà máy, khu tập kết rác trên địa bàn để đưa vào lò đốt. Với cách làm này, không chỉ giúp thu gom lượng lớn rác thải công nghiệp, sinh hoạt, giảm ô nhiễm môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp chủ động được một phần nhiên liệu, nhất là trong thời điểm nguồn than cung cấp gặp nhiều khó khăn. Tính riêng trong năm 2022, Vicem Hạ Long đã sử dụng trên 7.000 tấn rác để làm chất đốt. Qua đó, đã góp phần thay thế được 4-5% nhiên liệu than đốt trong sản xuất, giúp cho đơn vị tiết kiệm được hàng tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh triển khai hiệu quả mô hình “Ngân hàng rác - gửi rác, rút tiền”, nhằm thu gom rác thải công nghiệp, để đốt tạo nhiệt trong quá trình sản xuất, thay thế một phần cho nguyên liệu than. Thông qua mô hình, đã khuyến khích người dân trên địa bàn thu gom, phân loại rác thải, mang đến bán lại cho công ty, giúp đơn vị có thêm nguồn cung rác thải, cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Có thể thấy, việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Nghị quyết số 10-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030” đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại các khu đô thị, các xã đảo, xã có hoạt động du lịch, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn trên 99%; thực hiện hiệu quả phân loại tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và hạn chế chôn lấp.
Mỗi gia đình, mỗi người dân hãy chủ động, khuyến khích, động viên nhau thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đoàn thể cùng hợp tác, triển khai tuyên truyền, thực hiện phân loại rác từ nguồn tại trụ sở, văn phòng. Cả xã hội cùng chung tay, nỗ lực thực hiện thành công chương trình phân loại rác thải tại nguồn sẽ trở thành thói quen thường nhật của mỗi người, mỗi nhà. Một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn góp phần chung tay xây dựng lối sống văn minh, hiện đại và xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng xanh-sạch-đẹp.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()