Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:02 (GMT +7)
Tăng cường PBGDPL ở các địa bàn trọng điểm
Thứ 5, 26/08/2021 | 09:19:08 [GMT +7] A A
Để triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2017-2021” (Quyết định số 1259 của Bộ Tư pháp), các ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm thiết thực, mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Năm 2018, UBND tỉnh đã lựa chọn 3 địa bàn trọng điểm là phường Mạo Khê (TX Đông Triều), phường Cao Xanh (TP Hạ Long), phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) để chỉ đạo điểm triển khai Đề án. Đây là những địa bàn có tình hình an ninh phức tạp với nhiều tệ nạn xã hội. Từ năm 2020, tỉnh mở rộng thêm 2 địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật là phường Ninh Dương (TP Móng Cái), phường Mông Dương (TP Cẩm Phả).
Ở cấp huyện, tùy thuộc vào đặc điểm tình hình và đánh giá mức độ ANTT, an toàn xã hội, các địa phương đã lựa chọn các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật để tăng cường triển khai PBGDPL theo phạm vi Đề án.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả trong triển khai Đề án đã được xây dựng, nhân rộng, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia, như: CLB tuổi trẻ với pháp luật; CLB phụ nữ với pháp luật; CLB nông dân với pháp luật; “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; “Chi hội phụ nữ nòng cốt không có chồng, con em vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội”; “5 không 3 sạch”; “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; “Cựu chiến binh tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi”...
Trong việc xây dựng các mô hình PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm, việc phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên như hội LHPN, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và một số ngành như công an, bộ đội biên phòng... đã mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự khu phố do CCB làm nòng cốt” được triển khai trên toàn địa bàn TP Hạ Long; hội CCB các phường, xã đã liên kết, phối hợp chặt chẽ với công an phường làm tốt công tác tham mưu cho đảng ủy, UBND các phường xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, người dân tự quản, tự bảo vệ tài sản; phát hiện, tố giác tội phạm...
Mô hình Cụm an toàn về ANTT ở phường Mạo Khê (TX Đông Triều) hoạt động hiệu quả, nền nếp, thúc đẩy phong trào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm từ cơ sở. Phường lắp đặt hệ thống camera an ninh từ nguồn xã hội hóa của người dân, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trong việc theo dõi, kiểm soát các hoạt động diễn ra trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng thực hiện Đề án, tỉnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm. Giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh đã tổ chức 4.985 cuộc tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp cho nhân dân, thu hút 507.650 lượt người tham dự; biên soạn, in ấn, phát hành 765.840 tài liệu pháp luật về các lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, khiếu nại, tố cáo, hình sự, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác; phát trên loa truyền thanh cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng 26.758 tin, bài...
Tỉnh duy trì hoạt động hiệu quả của gần 5.000 tổ nhân dân tự quản ANTT và hơn 400 cụm nhân dân tự quản ANTT tại các địa phương để tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung, các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật nói riêng.
Việc triển khai Đề án tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật đã góp phần không nhỏ trong phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; tỷ lệ người nghiện ma túy và mắc các tệ nạn xã hội, tỷ lệ vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật có chiều hướng giảm hằng năm.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()