Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 10:00 (GMT +7)
Dành nguồn lực quan trọng cho mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Thứ 5, 30/03/2023 | 19:07:46 [GMT +7] A A
Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XIV diễn ra trong bối cảnh toàn tỉnh thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội quý I, ra sức thi đua thực hiện nhiệm vụ quý II/2023, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023). Kỳ họp đã tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất bàn thảo, quyết nghị thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, làm cơ sở, tiền đề cho các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển
Với mục tiêu dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền và đầu tư các công trình có tính chất động lực, lan tỏa, tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh một số nội dung liên quan đến điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, bổ sung nguồn vốn đầu tư công từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2023, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Theo nhiều đại biểu dự Kỳ họp, đây là nội dung quan trọng nhằm tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian phát triển, kết nối vùng miền, phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Sau khi rà soát dự toán chi ngân sách địa phương năm 2023, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm và đã được đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua giảm 755,5 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương để bổ sung kế hoạch chi đầu tư phát triển; trong đó giảm chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo 745,5 tỷ đồng, giảm chi sự nghiệp kinh tế 10 tỷ đồng. Như vậy, sau khi điều chỉnh, tổng chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023 còn trên 18.490 tỷ đồng, không đổi so với dự toán được HĐND tỉnh giao tại Điều 2 Nghị quyết số 136/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022); trong đó chi đầu tư phát triển gần 9.400 tỷ đồng, chi thường xuyên trên 7.000 tỷ đồng.
Điểm nổi bật, nguồn ngân sách tiết kiệm chi thường xuyên này được tập trung đầu tư cho 12 trường học chất lượng cao ở các địa phương trong tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 99/NQ-HĐND (ngày 31/5/2022) và Nghị quyết số 125/NQ-HĐND (ngày 4/11/2022) của HĐND tỉnh, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục; trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư ở một số xã, huyện miền núi, biên giới, hải đảo có điều kiện khó khăn, như: Cô Tô, Bình Liêu, Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà... Một trong nội dung khác được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, là tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 333 có chiều dài 1,4km, bao gồm 2 đoạn nằm giữa phạm vi dự án cầu Lại Xuân, nút giao dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1) đang triển khai xây dựng; tuyến đường tránh Mạo Khê. Dự án có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, với tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp 3 đồng bằng, thời gian thực hiện 2023-2024.
Theo các đại biểu, dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nâng cao năng lực phục vụ giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các KCN, CCN, nhân dân trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) nói riêng, 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh nói chung; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo quy hoạch được duyệt. Đại biểu Hồ Văn Vịnh, Bí thư Thị ủy Quảng Yên, Tổ đại biểu TX Đông Triều, cho rằng: Việc tỉnh quan tâm dành nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là hoàn toàn phù hợp, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân toàn tỉnh cũng như các nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị, sau khi nguồn vốn, dự án được phê duyệt, các đơn vị liên quan cần sớm triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả dự án, giúp thúc đẩy phát triển KT-XH, liên kết vùng.
Ở một tờ trình khác, sau khi nghiêm túc xem xét, thảo luận, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Theo đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh từ 546,713 tỷ đồng lên 631 tỷ đồng (lý do điều chỉnh là tăng vốn GPMB); điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường dẫn cầu Bến Rừng thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh từ 258 tỷ đồng lên trên 355 tỷ đồng (lý do điều chỉnh là thay đổi thiết kế nút giao để đảm bảo hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo cảnh quan không gian đẹp, hiện đại cho khu vực cửa ngõ từ TP Hải Phòng sang TX Quảng Yên); điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cầu Cửa Lục 1 từ năm 2022 sang năm 2023 (lý do khó khăn về vị trí đổ thải).
Đánh dấu giai đoạn phát triển mới của tỉnh
Một trong những nội dung nhận được quan tâm rất lớn của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp lần này là Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đánh giá của các đại biểu, thời gian qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền của tỉnh luôn quan tâm đầu tư nguồn lực và ban hành các cơ chế, chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026% tổng số hộ dân; không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3/13 địa phương là TX Quảng Yên, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô không còn hộ nghèo; có 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy tại các huyện, thị xã, thành phố vẫn còn nhiều hộ dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của trung ương, nhưng kết quả chấm điểm các tiêu chí theo quy định thì chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy, các đại biểu cho rằng việc xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2023-2025 theo hướng mức thu nhập cao hơn mức thu nhập quy định tại chuẩn nghèo của Chính phủ phù hợp với điều kiện sống của người dân, tình hình KT-XH của tỉnh là cần thiết, nhằm kế thừa, phát triển chủ trương, chính sách giảm nghèo nhất quán của tỉnh trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Tổ đại biểu TX Đông Triều, bày tỏ sự đồng tình với chủ trương, mục tiêu, quan điểm, sự cần thiết ban hành Nghị quyết về việc nâng chuẩn nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh là phù hợp với thực tiễn với công tác giảm nghèo của tỉnh, giúp các gia đình khó khăn, cận nghèo chưa bền vững, gia đình trung bình được hưởng chính sách để đảm bảo tính bền vững của chương trình giảm nghèo, phù hợp với chương trình NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là chính sách an sinh xã hội hướng đến nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng miền trong tỉnh. Đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Nhất trí với quan điểm trên, đại biểu La Thị Thủy, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Yên; Tổ đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ, cho rằng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh được ban hành sẽ giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế. Đồng thời cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ trong việc chăm lo cho người dân nói chung, chương trình giảm nghèo nói riêng, góp phần vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đảm bảo ổn định chính trị xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Việc quy định chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn chuẩn nghèo trung ương cũng sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và điều kiện KT-XH của địa phương, người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần tạo động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh thời gian tới.
Theo Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, mức chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn khoảng 1,4 lần so với mức chuẩn nghèo quy định của Chính phủ. Trong đó, khu vực nông thôn là 2.100.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2.600.000 đồng/người/tháng. Cùng với tiêu chí thu nhập như trên, quy định chuẩn hộ nghèo thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên, hộ cận nghèo thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội.
Theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh, đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ được mở rộng. Ngoài 2.712 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của trung ương, toàn tỉnh sẽ có thêm 3.888 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Dự kiến giai đoạn 2023-2025 có khoảng 1.400 hộ nghèo, tỷ lệ 0,36%; 5.200 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,34 % tổng số hộ toàn tỉnh. Với lộ trình thực hiện trong 2,5 năm, tỉnh phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo, 4.600 hộ cận nghèo; đến hết năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo (dưới 0,5%) theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng việc nâng chuẩn nghèo mới, ngoài đối tượng được nâng lên thì trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền phải được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần tiếp hành rà soát các tiêu chí đo lường đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng lộ trình giảm nghèo phù hợp. Đồng thời đánh giá rõ các tác động của việc nâng chuẩn nghèo đến các chính sách khác có liên quan và kinh phí thực hiện các chính sách để bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Huyện uỷ Bình Liêu, Tổ đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ, cho biết: Bình Liêu là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhất tỉnh. Việc HĐND tỉnh quy định mức chuẩn nghèo mới năm 2023 - 2025 là cơ sở hết sức quan trọng để huyện thực hiện giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở Nghị quyết HĐND tỉnh, huyện sẽ thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng hộ nghèo, đề ra các biện pháp đồng bộ thực hiện giảm nghèo, góp phần thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh.
Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Mọi quyết sách của tỉnh, hoạt động của các cơ quan nhà nước đều vì lợi ích nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã quyết nghị ban hành Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, đánh giá cột mốc phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cơ sở phải tích cực, chủ động hơn nữa trong cụ thể hóa, nhất là cấp xã, cấp huyện, phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tạo được chuyển biến thực chất về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là thực hiện Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 mới được HĐND tỉnh thông qua, với những tiêu chí cơ bản là người dân được sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội văn minh, lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn hóa phát triển.
Mạnh Trường - Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()