Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:50 (GMT +7)
Tăng cường hợp tác quốc tế trong gìn giữ hòa bình
Thứ 3, 27/12/2022 | 17:11:52 [GMT +7] A A
Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tăng cường củng cố đối ngoại quốc phòng và an ninh, nâng cao vị thế đất nước.
Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có nhiều đóng góp vào chiến lược tích cực hội nhập quốc tế và khu vực của Đảng và Nhà nước; tăng cường củng cố đối ngoại quốc phòng và an ninh, nâng cao vị thế đất nước, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng các biện pháp hòa bình trong thời bình. Thời gian qua, hoạt động hợp tác về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã thu hút được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ đáng kể của Liên hợp quốc và các nước đối tác quốc tế cho Việt Nam, góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách của Việt Nam đầu tư cho tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Theo đó, quốc tế đã tích cực hỗ trợ Việt Nam về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Australia hỗ trợ các khóa tiếng Anh cho lực lượng quân y và công binh; các khóa tập huấn về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Australia; các chuyến bay vận chuyển con người và trang bị của các bệnh viện dã chiến cấp 2; viện trợ một số trang bị như xe cứu thương, máy phát điện, thiết bị y tế, hệ thống phiên dịch…
Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ Việt Nam tổ chức các khóa huấn luyện sỹ quan tham mưu, hậu cần, quan sát viên quân sự Liên hợp quốc; trang thiết bị cho quân y, phương tiện huấn luyện công binh; giảng đường, nhà ở chuyên gia. Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh… hỗ trợ về huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn, khảo sát phái bộ.
Năm 2018, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức Hội thảo về nâng cao năng lực cho Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh khu vực châu Á (ARF) tại Việt Nam, được Liên hợp quốc và các nước đánh giá cao.
Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ triển khai ký kết 9 Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các nước đối tác, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand; 1 bản ghi nhớ với Liên hợp quốc về triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 đến Phái bộ Nam Sudan; 1 bản ghi nhớ với Liên minh châu Âu về triển khai giảng viên hỗ trợ kỹ thuật của Liên minh châu Âu tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; 1 Bản ghi nhớ với Liên hợp quốc về triển khai Đội Công binh đến Phái bộ tại Abyei.
Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ hòa bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AAPTC). Đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2014 và là một thành viên của Hiệp hội.
Tháng 6/2022, Bộ Quốc phòng đã tổ chức thành công Hội nghị các Trung tâm Gìn giữ hòa bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 18 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế đến trực tiếp tham gia. Hiện tại, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) đang đảm nhiệm vai trò đồng chủ trì Nhóm chuyên gia về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với Nhật Bản tổ chức nhiều hoạt động hợp tác, hội nghị, hội thảo và xây dựng kế hoạch diễn tập tại Việt Nam về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) trong năm 2023, cũng như làm tốt công tác chuẩn bị để tổ chức Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc các nước ASEAN năm 2023.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã điện đàm và cử nhiều đoàn công tác đến Trụ sở Liên hợp quốc để giao thiệp với lãnh đạo Liên hợp quốc, các cơ quan chức năng và làm việc với nhiều nước đối tác, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và nhất là tạo cơ sở, nền tảng để Liên hợp quốc mời Việt Nam cử Đội Công binh đầu tiên đến Phái bộ Abyei.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()