Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:26 (GMT +7)
Tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại
Thứ 2, 21/03/2022 | 07:48:59 [GMT +7] A A
Với vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của cả nước, Quảng Ninh được Chính phủ xác định là địa bàn động lực, một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với khu vực và quốc tế. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế địa kinh tế - chính trị, trong những năm qua, tỉnh đã mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia, thu hút đầu tư kinh tế mạnh mẽ.
Tỉnh đã đẩy mạnh mở rộng hợp tác, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và đổi mới, sáng tạo phương thức xúc tiến đầu tư, khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án nước ngoài đã được cấp phép triển khai hoạt động. Từ đó, thu hút FDI của Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến với nhiều dự án quy mô lớn, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như điện lực, công nghiệp chế biến, chế tạo du lịch, dịch vụ...
Đặc biệt, Quảng Ninh chú trọng phát triển quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Nhất là trong 2 năm qua, trước những tác động tiêu cực chưa từng có, khó lường do đại dịch Covid-19 gây ra, các bên đã phối hợp nhịp nhàng, chủ động ổn định KT-XH, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển các hoạt động, thương mại điện tử, thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, cảng biển. Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 2.562 triệu USD, tăng 9,39% so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có 145 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 8,15 tỷ USD.
|
Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại giao phát triển kinh tế cũng đã được tỉnh chú trọng vào việc quảng bá xúc tiến du lịch, thương mại, xúc tiến đầu tư hướng đến các thị trường tiềm năng: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hồng Kông (Trung Quốc)...; mở rộng quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp thu vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp nước ngoài, tiếp cận thị trường thế giới; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong những năm gần đây, tỉnh đã đón và làm việc với hàng trăm lượt đoàn nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), EU, Mỹ... đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn; tổ chức, tham dự các đoàn công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tại Anh, Australia, Nhật Bản.
Trong đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia mà Quảng Ninh đang nỗ lực thu hút đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 6 dự án FDI của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án gần 45,4 triệu USD. Đặc biệt, ngày 17/12, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký đã cam kết ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh trong những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió.
Thời gian tới, nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại quốc tế, tỉnh sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá trong tỉnh; thu hút nhà đầu tư nước ngoài; có định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên... Đặc biệt, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tỉnh tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, đường giao thông biên giới kết nối các cửa khẩu phụ, điểm thông quan; phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu đáp ứng cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo cơ sở thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Quảng Ninh sẽ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển giáo dục thông minh, sản xuất thông minh, quản lý thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đô thị xanh, đào tạo công dân thông minh.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()