Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:45 (GMT +7)
Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm
Thứ 6, 22/12/2023 | 10:23:29 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri TX Quảng Yên, tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Nga, Tổ đại biểu TX Quảng Yên chất vấn: Theo báo cáo và nắm tình hình tiếp xúc cử tri hiện nay người dân rất quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm, tiềm ẩn các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm nhất là tại các cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ tại các chợ, trung tâm thương mại, bếp ăn tập thể, trường học...toàn tỉnh đã ghi nhận 05 vụ ngộ độc thực phẩm, tổ chức kiểm tra 15.137 cơ sở, số cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm tăng 17,8% (1705/1598) cơ sở vi phạm. Đặc biệt trong tháng 11 vừa qua tại huyện Vân Đồn và Bình Liêu đã ghi nhận 02 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến nhiều học sinh do ăn kẹo lạ bày bán ở gần các trường học. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế đánh giá thực trạng trên và giải pháp của ngành trong thời gian tới.
Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện trả lời:
Về cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, hiện nay, toàn tỉnh hiện có 48.901 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, theo Luật ATTP 2010 và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, ngành Công Thương Quảng Ninh đang quản lý 10.072 cơ sở (cấp Bộ quản lý 02 cơ sở, cấp tỉnh quản lý 165 cơ sở; cấp huyện, xã quản lý 9.905 cơ sở) đối với 08 nhóm sản phẩm thực phẩm gồm: bia, rượu, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh mứt, kẹo. Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh quản lý 28.035 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản (cấp tỉnh quản lý 1.614 cơ sở, cấp huyện, xã quản lý là 26.421 cơ sở). Ngành Y tế quản lý 10.794 cơ sở (cấp tỉnh quản lý 1.552 cơ sở; cấp huyện quản lý 4.717 cơ sở, cấp xã quản lý 4.525 cơ sở) với các loại hình: cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, kinh doanh thực phẩm chức năng...
Với đặc thù là tỉnh phát triển về thương mại, du lịch thu hút số lượng lớn người lao động các tỉnh đến làm việc, khách du lịch đến với tỉnh đồng thời, hàng năm tỉnh có nhiều hoạt động sự kiện lớn tập trung đông người nhu cầu về ăn uống và ATTP là rất lớn. Tính riêng năm 2023, tỉnh có khoảng 80 sự kiện lớn có các đại biểu trong, ngoài nước tham dự, như: 60 năm thành lập tỉnh, Lễ hội Hokkaido 2023, ...; 15,5 triệu lượt khách du lịch đến với Quảng Ninh. Thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm cung cấp cho người dân và khách du lịch tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 60% còn khoảng 40% được đưa vào từ tỉnh ngoài và nhập khẩu từ nước ngoài, do đó quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh đối với cơ sở thực phẩm còn nhiều bất cập, đây cũng là vấn đề thách thức trong công tác quản lý.
Về công tác quản lý, chỉ đạo, trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và toàn xã hội quan tâm và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu, nhận thức của người dân về ATTP có sự chuyển biến rõ rệt, tình hình ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát khống chế duy trì ở mức <6/100.000 dân, góp phần bảo vệ sức khoẻ người lao động và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay tình hình an toàn thực phẩm trên cả nước nói chung và toàn tỉnh nói riêng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo thống kê của Bộ Y tế (báo cáo số 1467/BC-BYT ngày 27/11/2023), từ đầu năm 2023 đến ngày 17/11/2023, toàn quốc đã xảy ra 99 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.763 người mắc, 22 người tử vong. Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 05 vụ/44 người mắc/00 người tử vong (tăng 02 vụ và 16 người mắc so với năm 2022). So sánh số vụ, số người mắc ngộ độc thực phẩm với các năm có dịch COVID-19 thì số vụ, số mắc ở năm 2023 có xu hướng giảm (có số liệu thống kê ngộ độc thực phẩm các năm gửi kèm).
Theo số liệu báo cáo từ các sở, ngành, địa phương, tính đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh đã kiểm tra 15.137 cơ sở, phát hiện 2.243 cơ sở có vi phạm (14,82%) và xử phạt vi phạm hành chính 1.229 cơ sở (chiếm 8,1% cơ sở được kiểm tra), Tổng số tiền xử phạt 5.366.346.000 đồng triệu đồng. So với năm 2022, toàn tỉnh kiểm tra được 20.012 cơ sở (năm 2023 số cơ sở được kiểm tra giảm gần 5.000 cơ sở), phát hiện số cơ sở có vi phạm 3.015 (15/07%). Xử phạt vi phạm hành chính 635 cơ sở. Tổng số tiền xử phạt 3.189.059.000 đồng (chiếm 3,17%) (năm 2023 xử phạt tăng gần 400 cơ sở, số tiền xử phạt tăng trên 2 tỷ đồng).
Đối với Bếp ăn tập thể (Khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học...): Ngành y tế đã chủ động xác định một số nhóm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm gồm: nguyên liệu chế biến thức ăn, phụ gia chế biến thức ăn; Nguồn nước sử dụng cho ăn uống; mối nguy từ dụng cụ sơ chế, chế biến thức ăn, dụng cụ ăn uống chưa được vệ sinh sạch; Do bảo quản và vận chuyển thức ăn.
Một số nguyên nhân của những tồn tại trên là do: Nhu cầu các bữa ăn tập thể, bữa ăn công nghiệp trong các khu công nghiệp/cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng, giá cho mỗi suất ăn chưa cao (giá chỉ từ 18.000 - 25.000 đồng/suất); Nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp/cụm công nghiệp khó kiểm soát an toàn thực phẩm triệt để do 40% thực phẩm của tỉnh phải nhập từ tỉnh ngoài (tỷ lệ này có thể cao hơn ở các bếp ăn tập thể có giá suất ăn thấp); Một số chủ doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP đối với bữa ăn công nghiệp cho công nhân, người lao động; Một số bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học còn chưa có nguồn sạch để sử dụng cho chế biến thực phẩm.
Về an toàn thực phẩm cổng trường học, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP địa phương, ghi nhận của đơn vị y tế: ngày 25/11/2023 có 126 em học sinh trường THCS thị trấn Cái Rồng đã cùng ăn một loại kẹo trên bao bì có chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt. Trong số đó: có 5/126 em sau khi ăn có các biểu hiện buồn nôn, tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở phải vào Trung tâm Y tế điều trị; Từ ngày 27/11/2023 đến ngày 30/11/2023, Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu tiếp nhận 05 ca bệnh nhân vào viện với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn và chóng mặt. Qua khai thác, có 29 em cũng có ăn loại kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Về biện pháp xử lý: Nhận thấy tính bất thường của vụ việc, ngày 29/11/2023 của Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Liên ngành tỉnh đã có văn bản số 24/CQTTBCĐ báo cáo UBND tỉnh, đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các đơn vị y tế tích cực điều trị cho các em học sinh và thực hiện các nhiệm vụ, chức năng quản lý ATTP của ngành y tế .
Ngày 30/11/2023 của UBND tỉnh có văn bản số 3407/UBND- VHXH về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm sức khỏe học sinh. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có văn bản số 814/CCATVSTP- GDTT&CĐT ngày 28/11/2023 đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành các địa phương vào cuộc và hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị y tế để phối hợp xử lý vụ việc. Đồng thời các các ngành Giáo dục, Công an tỉnh, Quản lý thị trường, Công Thương cũng có văn bản chỉ đạo riêng để xử lý.
Tính đến hết ngày 05/12/2023, 13/13 địa phương đã thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Quản lý thị trường, Công an, Chính quyền địa phương, Y tế, ...) để kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh khu vực cổng trường. Do các Đoàn đang trong quá trình kiểm tra nên chưa có kết quả tổng hợp số liệu xử lý, xử phạt.
Ngày 29/11/2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế đã tiếp nhận loại sản phẩm kẹo (mỗi hộp có 20 gói) từ Trung tâm Y tế Vân Đồn và đã gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để xét nghiệm tìm nguyên nhân, hiện đang chờ kết quả.
Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương được phân công, phân cấp quản lý về ATTP tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 30/5/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 280- KH/TU ngày 27/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, khuyến cáo cho người dân tuyệt đối không kinh doanh, mua, sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm ATTP theo lĩnh vực được phân công, phân cấp quản lý. Đảm bảo thực phẩm được quản lý từ quá trình trồng trọt, chăn nuôi (ngành Nông nghiệp), sản xuất lưu thông hàng hóa (ngành Công Thương), kiểm soát thực phẩm trên bàn ăn (ngành Y tế) được quản lý toàn diện. Các lực lượng kiểm soát hàng hóa khu vực biên giới, cửa khẩu, trên thị trường chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam qua địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Các đơn vị, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể/tổ chức ăn công nghiệp quan tâm, tăng cường, chủ động kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP suất ăn cho công nhân, người lao động (Mời công đoàn các công ty, doanh nghiệp, Ban phụ huynh học sinh tham gia quá trình giám sát an toàn). Khuyến cáo tăng giá trị khẩu phần bữa ăn cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Rà soát đảm bảo có đủ nguồn nước sạch để phục vụ cho chế biến thực phẩm. Đối với bếp ăn chưa có đủ nguồn nước sạch đề nghị đơn vị đầu tư, thiết kế hệ thống lọc nước và gửi mẫu nước kiểm nghiệm đình kỳ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm; thận trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Sở Y tế cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể của tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp giám sát, tuyên truyền, vận động ATTP, trong kiểm tra chất lượng, truy xuất nguyên liệu đầu vào và giám sát điều kiện vệ sinh; các quy định pháp luật, kiến thức ATTP và thực hành vệ sinh và phát động các phong trào bảo đảm ATTP gắn với cuộc vận động xây dựng làng, xã văn hóa ở khu dân cư, nhằm thúc đẩy hình thành hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trong cộng đồng.
Ngọc Huyền (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()