Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:29 (GMT +7)
TP Hạ Long: Chung tay bảo vệ môi trường
Thứ 3, 21/06/2022 | 07:37:19 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường giai đoạn 2018-2022, TP Hạ Long đã ban hành chương trình hành động với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tiến độ, nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác này.
Hiện 100% các đơn vị sản xuất than, điện, xi măng, vôi, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố đều vận hành các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt, như Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhà máy Xi măng Hạ Long, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, Nhà máy vôi Hạ Long, Công ty Than Uông Bí, Công ty 91 Chi nhánh Tổng Công ty Đông Bắc, 12 đơn vị khai thác đá làm vật liệu xây dựng, 6 đơn vị khai thác sét.
Các đơn vị sản xuất nhiệt điện, xi măng, sản xuất vôi, CCN Hoành Bồ đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, không khí tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Trung tâm điều hành của Sở TN&MT. Công ty Than Thăng Long Chi nhánh Tổng Công ty Đông Bắc đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải mỏ mặt bằng khai trường xã Dân Chủ, xã Quảng La; CCN Hoành Bồ đang lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải...
Cùng với đó, thành phố phối hợp với các đơn vị ngành Than thực hiện Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường trên địa bàn thành phố được gần 300ha. Tất cả các đơn vị ngành Than trên địa bàn thành phố đã lắp đặt xong hệ thống quan trắc môi trường tự động cho các trạm xử lý nước thải, kết nối và truyền dữ liệu trực tiếp để kiểm soát chất lượng nước thải. Thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị doanh nghiệp khai thác khoáng sản khác trên địa bàn thực hiện tốt việc hoàn nguyên, bảo vệ môi trường.
Thành phố có 72.506,16ha đất lâm nghiệp, trong đó đã giao, cho thuê 36.654ha (rừng phòng hộ 16.137,9ha, đất rừng đặc dụng 15.821,4ha, đất rừng sản xuất 4.694,7ha). Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan chuyên môn và các địa phương, trong đó yêu cầu UBND các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, môi trường bằng nhiều hình thức đến từng người dân để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm, triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ký cam kết và phổ biến các quy định về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư để cùng tham gia bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn. Các lực lượng này thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về săn bắt, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, giết mổ động vật hoang dã.
Thành phố triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó chú trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển, du nhập các loài động, thực vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen; thường xuyên kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm các lưu vực sông; bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển và các sông, suối, ao, hồ trên địa bàn.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trên cơ sở dự thảo Đề án “Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030“ của tỉnh, Hạ Long sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể bảo vệ môi trường thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngọc Khánh (Hạ Long)
Liên kết website
Ý kiến ()