Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:40 (GMT +7)
Tăng cường đề kháng để bảo vệ sức khỏe của trẻ đúng cách
Thứ 5, 24/11/2022 | 08:53:27 [GMT +7] A A
Lạm dụng các sản phẩm tăng đề kháng có thể dẫn đến những tác động không tốt cho sức khỏe của trẻ, trường hợp sử dụng quá liều có thể khiến trẻ bị ngộ độc, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, làm gia tăng những tác dụng không mong muốn của thuốc. Do vậy, để bảo vệ trẻ trước dịch bệnh, phụ huynh cần tăng cường đề kháng cho trẻ đúng cách.
Các sản phẩm tăng đề kháng là các chất bao gồm cả thuốc và không phải thuốc như chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng… có khả năng tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể thông qua kích hoạt, hoặc tăng cường hoạt động của các thành phần trong hệ thống miễn dịch, làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh.
Một số thuốc tăng đề kháng thường sử dụng là vitamin, interferon và nguyên tố vi lượng. Một số vitamin có tác dụng chống lại gốc tự do nên có thể tăng cường miễn dịch như: Vitamin C, beta-carotene, viamin E... Interferon là những cytokin tự nhiên có hoạt tính chống vi rút, chống tăng sinh và điều tiết miễn dịch. Nguyên tố vi lượng có khả năng tăng cường miễn dịch như chất kẽm, selen...
Tuy nhiên, việc lạm dụng sản phẩm tăng đề kháng đang là thực trạng đáng báo động hiện nay. Với mong muốn con có sức đề kháng tốt chống lại các dịch bệnh, nhiều gia đình đã chủ động mua sản phẩm tăng đề kháng cho con uống thường xuyên mà không có chỉ định của bác sĩ. Chị Phạm Thị Thu (phường Quang Trung, TP Uông Bí) cho biết: Sau mỗi lần con bị ốm, hoặc nghe thông tin có nhiều trẻ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm, viêm phổi… phải nhập viện, là tôi lại mua thuốc tăng đề kháng cho con uống để nâng cao sức khỏe. Tôi nghĩ là thuốc bổ, nên không cần có chỉ định của bác sĩ.
Trong 2 tháng gần đây, chị H.T.N (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) phải cho con đi khám và nhập viện điều trị tới 3 lần tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Chị N chia sẻ: Thấy con hay bị ốm sốt, ho, chảy nước mũi, tôi cho cháu uống bổ sung siro tăng đề kháng hằng ngày. Nhưng không biết vì sao cháu lại hay bị viêm phổi phải nhập viện điều trị suốt.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thu Hà, Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản Nhi) cho biết: Trên thị trường hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng tăng cường miễn dịch theo các cơ chế rất khác nhau, tuy nhiên phần lớn đều chưa chứng minh được hiệu quả thực sự trên lâm sàng. Mặt khác, bất kỳ chất nào đưa vào cơ thể cũng đều có khả năng gây ra tác dụng không mong muốn cho người sử dụng. Ví dụ, vitamin tan trong dầu mỡ như A, D, E, K dẫn tới ngộ độc khi sử dụng dài ngày, gây hại cho gan. Nếu trẻ ngộ độc vitamin A có thể dẫn tới tăng áp lực nội sọ, vitamin D có thể dẫn đến táo bón. Trẻ có thể bị dị ứng với vitamin nhóm B gây nên tình trạng sốc phản vệ. Việc tùy tiện sử dụng các sản phẩm tăng đề kháng có thể dẫn đến những tác động sức khỏe không tốt ở trẻ nhỏ như chán ăn, táo bón, dậy thì sớm, béo phì, nhức đầu, buồn ngủ - rối loạn giấc ngủ… Vì vậy, chỉ nên dùng thuốc tăng sức đề kháng cho trẻ em khi được bác sĩ chỉ định.
Việc sử dụng thuốc tăng đề kháng cũng như các loại thuốc khác, phụ huynh cần chú ý chia thời gian cho uống trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ tránh được tình trạng các loại thuốc cho tác dụng ngược nhau, làm giảm hiệu quả khi sử dụng, hoặc chúng kết hợp tạo ra hợp chất gây hại cho sức khỏe trẻ. Đặc biệt, khi mua sản phẩm nên tìm hiểu kỹ, sản phẩm phải được cấp phép lưu hành và đã qua kiểm định về chất lượng an toàn thực phẩm.
Để tăng sức đề kháng cho trẻ được bền vững, các gia đình cần thực hiện tốt những biện pháp như: Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; bổ sung dinh dưỡng hợp lý; duy trì thói quen, lối sống lành mạnh, không hút thuốc gần trẻ, cho trẻ tập thể dục hằng ngày, ngủ sớm, đủ giấc, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên; tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tiêm vắc xin là biện pháp kích thích cơ thể sản xuất kháng thể giúp chống đỡ vi sinh vật gây bệnh một cách chủ động và hiệu quả nhất.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()