Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:38 (GMT +7)
Tăng cường đại đoàn kết dân tộc để kiều bào thực sự là cánh tay nối dài
Thứ 2, 23/01/2023 | 14:00:48 [GMT +7] A A
Sau 20 năm kể từ khi Nghị quyết 23-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc (Nghị quyết 23) được ban hành, các quan điểm, chủ trương đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong tất cả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của người Việt Nam ở nước ngoài trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nâng cao. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, mà còn thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương. Qua đó, mỗi kiều bào thực sự là “cánh tay nối dài” của đất nước.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kiều bào
Trên cơ sở Nghị quyết 23-NQ/TW và yêu cầu thực tiễn của công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã chủ trì xây dựng và kiến nghị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Cụ thể là Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Các văn bản chỉ đạo nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kiều bào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thống nhất khẳng định tinh thần “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.
Đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời đóng vai trò nòng cốt, tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương.
Điều đó thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài được thể chế hóa thành các quy định pháp luật theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài, cơ bản xóa bỏ các rào cản, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thân của kiều bào.
Đặc biệt, các chính sách liên quan đến một số vấn đề mà đa số kiều bào đặc biệt quan tâm như quốc tịch, xuất nhập cảnh, đất đai, nhà ở, miễn thị thực, kinh doanh, đầu tư, giáo dục, thu hút chuyên gia, tri thức kiều bào, chế độ đãi ngộ với người có công... đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở tất cả các địa bàn, tăng thêm mối liên kết, gắn bó ruột thịt của kiều bào với đất nước.
Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định nguyên tắc một quốc tịch “mềm dẻo”, quy định cụ thể hơn về trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài; hồ sơ, thủ tục và điều kiện nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài; bãi bỏ quy định về tự động mất quốc tịch Việt Nam nếu không đăng ký giữ quốc tịch.
“Việc hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là đòi hỏi cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn; qua đó hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, hòa nhập vào xã hội sở tại, giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Tương tự, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng các đề án, chương trình hành động, ký kết chương trình phối hợp nhằm triển khai công tác vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Đặc biệt, các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chính là lực lượng nòng cốt đại diện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phản ánh tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với kiều bào; tuyên truyền, vận động kiều bào tích cực hưởng ứng các phong trào yêu nước và các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; làm cầu nối trong việc mở rộng đối tác đối ngoại nhân dân”, ông Đặng Thanh Phương nêu.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn các cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, đại diện ở các khu vực trọng điểm, các nước có đông người Việt Nam ở nước ngoài tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các khóa. Trong đó, khóa VII có 15 người; khóa VIII và khóa IX, mỗi khóa 17 người.
Ông Đặng Thanh Phương cho biết, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài đã phát huy vai trò cầu nối trong việc mở rộng quan hệ với các tổ chức nhân dân ở các nước; đồng thời thông qua đối tác để hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao vị thế cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đóng vai trò tập hợp, đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như: Tổ chức các hoạt động hướng về quê hương nhân kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước, tổ chức tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như thành tựu đổi mới của đất nước, vận động hỗ trợ nâng cao địa vị pháp lý của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết
Khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong tất cả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, sau 20 năm kể từ khi Nghị quyết 23-NQ/TW được ban hành, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của người Việt Nam ở nước ngoài trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nâng cao, công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự tham gia mạnh mẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương.
Trong bối cảnh tình hình mới, trước yêu cầu mới, từ góc độ công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao thấy rằng cần thiết có Nghị quyết mới về công tác đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở kế thừa, phát huy những quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ trong Nghị quyết 23-NQ/TW, đồng thời cập nhật, bổ sung những quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII về công tác đại đoàn kết dân tộc và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Do đó, Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao đề xuất mục tiêu củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển, hội nhập thành công ở sở tại và hướng về quê hương đất nước, đóng góp phù hợp theo khả năng, thế mạnh cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Về quan điểm, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, trên cơ sở khoan dung, thông hiểu, hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích quốc gia-dân tộc, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau.
Triển khai toàn diện và mạnh mẽ trên tất cả các mặt nội dung, phương thức và đối tượng của công tác người Việt Nam ở nước ngoài; thể hiện rõ nét tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào; linh hoạt trong triển khai chính sách trên cơ sở cân nhắc tính đặc thù của người Việt Nam ở nước ngoài.
Thực hiện tốt công tác đại đoàn kết với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm nêu trên, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu rõ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần đẩy mạnh thực hiện nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ: Tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài, hỗ trợ và chăm lo đời sống kiều bào, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế huy động, sử dụng và quản lý nguồn lực hỗ trợ cộng đồng; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân; tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành chức năng, địa phương, cơ quan Đảng đoàn Việt Nam ở nước ngoài và các cấp ủy ngoài nước trong việc quản lý, tuyên truyền, giáo dục người lao động, du học sinh... khi sang nước ngoài làm việc, học tập...
Đối với nhóm nhiệm vụ vận động, Thứ trưởng nêu rõ việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện và thu hút kiều bào về nước đóng góp; tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn lực của kiều bào, trong đó có nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức, nguồn lực mềm như xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước...
Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong biện pháp triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó chú trọng việc duy trì và phát triển nội dung trên nền tảng số; tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh trong công tác thông tin đối ngoại cho kiều bào, nhằm kịp thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc...
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhận định, hai nhóm nhiệm vụ trên có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, “hỗ trợ để vận động, vận động để hỗ trợ”, do vậy cần được triển khai đồng thời. Nhiệm vụ hỗ trợ cần thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết các nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của bà con. Nhiệm vụ vận động cần tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích kiều bào phát huy nguồn lực, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đây chính là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích quốc gia - dân tộc, qua đó tạo điều kiện phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()