Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:29 (GMT +7)
Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Tăng cường công tác quản lý đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản
Thứ 2, 01/08/2022 | 14:00:03 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là địa phương có số lượng tàu cá tương đối lớn, vì vậy cũng xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Mặc dù gần đây, số vụ việc đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Với quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng vi phạm IUU, tính đến hết tháng 7/2022 đã gỡ được 6/7 cảnh báo "thẻ vàng", hiện vẫn còn tiêu chí liên quan đến công tác quản lý tàu cá và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản là chưa đạt.
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định IUU. Để gỡ "thẻ vàng" của EC, trong hơn 4 năm qua, cùng với các địa phương có biển trong cả nước, Quảng Ninh đã triển khai rất nhiều biện pháp, hành động quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Theo đó, để rà soát số lượng, đăng ký, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quản lý tàu cá, Sở NN&PTNT đã trực tiếp gặp các chủ tàu cá để xác minh thông tin những tàu còn tồn đọng có chiều dài từ 12m trở lên có xác nhận của UBND cấp xã. Đồng thời hướng dẫn cấp huyện rà soát, điều tra, thống kê, xác minh thông tin đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m chưa đăng ký theo phân cấp, đưa ra khỏi danh sách quản lý; hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, cấp đổi sổ danh bạ thuyền viên tàu cá, thực hiện quy định chứng chỉ thuyền viên tàu cá.
Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số tàu cá toàn tỉnh còn 6.250 tàu (giảm 1.138 tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, vượt gần 600 tàu cá so với mục tiêu tỉnh đặt ra). Toàn tỉnh đã cập nhật thông tin của 4.574/4.574 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên vào phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia, đạt 100% tàu đã đăng ký hoặc đã đăng ký tạm.
Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Sở NN&PTNT đã rà soát việc đồng bộ thiết bị giám sát hành trình của các chủ tàu cá để tìm nguyên nhân, đồng thời liên hệ, đôn đốc các nhà cung cấp thiết bị để sửa chữa hỗ trợ chủ tàu. Đến thời điểm hiện tại đã có 210/210 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên lắp đặt và đồng bộ thiết bị giám sát hành trình (đạt 100%) và 210 tàu cá này cũng đã được cấp giấy chứng nhận ATTP (đạt 100%). Đặc biệt, trong thời gian qua, việc tổ chức kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng và theo dõi được 24/24h nên Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển của nước ngoài. Đây là một nội dung trọng tâm mà EC đặc biệt quan tâm trong việc gỡ thẻ vàng cho các nước.
Về nội dung thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước không vi phạm IUU và xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác theo yêu cầu mỗi địa phương cần phải có một cảng cá, tuy nhiên, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) vẫn đang trong quá trình đầu tư, chưa đủ điều kiện để công bố cảng cá. Để khắc phục việc này, UBND tỉnh đã thiết lập tạm thời 10 điểm kiểm tra, giám sát tàu cá tại các bến cảng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá dọc từ TP Móng Cái về tới TX Quảng Yên để ngư dân có thể đến khai báo cho cơ quan chức năng. Hiện các địa phương đã thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá và thực hiện thường trực 24/24h.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đến thời điểm này, các tiêu chí cảnh báo "thẻ vàng" đã được Quảng Ninh gỡ, bao gồm: Công tác ATTP; kiểm soát tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; xử phạt vi phạm hành chính khai thác thủy sản trái phép; thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về IUU và xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác..
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một tiêu chí Quảng Ninh chưa đạt liên quan đến việc đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản còn rất thấp, đặc biệt là đội tàu dưới 12m do cấp huyện quản lý. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh còn 1.400 tàu cá mới đăng ký tạm thời, chưa thực hiện đăng ký chính thức theo quy định, trong đó có 1.276 tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m do cấp huyện quản lý và 124 tàu có chiều dài từ 12m trở lên do cấp tỉnh quản lý, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Quảng Yên (125 tàu), Cẩm Phả (124 tàu), Vân Đồn (748 tàu), Hải Hà (133 tàu), Tiên Yên (97 tàu).
Việc các tàu cá chưa đăng ký chính thức khiến cho các cơ quan chức năng chưa thể cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu này. Để từng bước khắc phục, hiện Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã thành lập tổ xuống các địa phương để thực hiện đăng ký đăng kiểm cho tàu trên 12m và hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển đổi đăng ký tạm sang đăng ký chính thức. Tuy nhiên, do phần lớn các tàu đăng ký tạm thời thuộc các địa phương quản lý nên nếu các địa phương không tích cực vào cuộc, chắc chắn tiêu chí này sẽ khó có thể hoàn thành trong cuối năm 2022. Và như vậy, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến những nỗ lực của tỉnh nói riêng và của cả nước trong suốt thời gian qua. Quan trọng hơn là nếu như không gỡ được thẻ vàng trong năm 2022 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng trưởng bền vững của ngành Thủy sản theo chiến lược phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()