Tất cả chuyên mục

Ngày 20-11-2015, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) với 5 Chương và 91 Điều, quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH; HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, Luật được ban hành nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước…
Đoàn công tác HĐND tỉnh giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất (huyện Hoành Bồ), tháng 7-2016. Ảnh: Trúc Linh |
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cho biết: “Đây là lần đầu tiên hoạt động giám sát của HĐND được quy định riêng thành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong đó, có một số điểm mới đáng lưu ý: Quy định rõ hoạt động giám sát của HĐND là hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước, bổ sung quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Luật còn quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, bổ sung quy định nhằm xác định rõ thời hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện yêu cầu, kiến nghị giám sát của chủ thể giám sát…”. Luật dành Chương I quy định những vấn đề chung về giám sát của Quốc hội và HĐND, còn những nội dung mang tính đặc thù riêng về giám sát của Quốc hội và HĐND thì quy định cụ thể trong Chương II (Giám sát của Quốc hội) và Chương III (Giám sát của HĐND). Luật Hoạt động giám sát hiện hành cơ bản giữ các quy định về chủ thể, phạm vi giám sát của HĐND như quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003; sửa đổi, bổ sung về hình thức giám sát (báo cáo, chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm), cụ thể hoá trình tự, thủ tục tiến hành giám sát; quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, việc tổ chức Đoàn giám sát để thực hiện giám sát chuyên đề (Điều 62). Đối với hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, Luật đã bổ sung một số quy định nhằm làm rõ hơn hình thức giám sát, trình tự thực hiện giám sát của Thường trực HĐND như: Xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND; Giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Quy định việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, trình tự Thường trực HĐND xem xét văn bản quy phạm pháp luật… Các chủ thể giám sát được quy định rất rõ ràng gồm: HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Với mỗi chủ thể giám sát, Luật đã quy định rõ nội dung, phương thức, quy trình thực hiện các hoạt động giám sát theo từng chủ thể, đây là những chế định hết sức quan trọng…
Đáng lưu ý là hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó quy định Thường trực HĐND có trách nhiệm báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước và khi cần thiết, HĐND thảo luận và ra nghị quyết về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời, đặt ra chế định bảo đảm cho hoạt động giám sát, đặc biệt là các chế tài thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát. Theo đó, các kết luận, kiến nghị giám sát phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, đây cũng là một cơ chế hiệu quả để nhân dân, cử tri giám sát…
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký cũng khẳng định: “Tôi cho rằng, hoạt động giám sát của HĐND đã được thể chế hoá thành luật riêng có ý nghĩa rất quan trọng, là một công cụ hữu hiệu để tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện tốt những quy định mới, đòi hỏi trách nhiệm cao của Thường trực, các Ban và từng đại biểu HĐND tỉnh trước cử tri và nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của HĐND với Uỷ ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và các cơ quan hữu quan trên địa bàn”.
Hà Chi
Ý kiến ()