Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:49 (GMT +7)
Tăng cường các biện pháp và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Thứ 6, 18/02/2022 | 11:58:29 [GMT +7] A A
Ngày 18/2, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Công văn số 713 - CV/TU về việc tăng cường các biện pháp và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, giảm tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng, giữ vững thành quả về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu:
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp, ngành y tế và các lực lượng chức năng có liên quan phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương, của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đảm bảo nguyên tắc mọi hoạt động đều phải an toàn và an toàn mới hoạt động, trong đó đặc biệt lưu ý việc “dạy học phải an toàn, an toàn để dạy học”, “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, “du lịch phải an toàn, an toàn để du lịch”,…
Các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tăng cường tần suất tầm soát chủ động, xét nghiệm sàng lọc. Khi phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2, ngành y tế phải chịu trách nhiệm từ cơ sở trong việc đánh giá, phân loại mức độ nguy cơ của người nhiễm SARS-CoV-2 để kịp thời có hướng xử lý, cách ly, thu dung, điều trị phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể; đặc biệt quan tâm đối tượng bảo vệ trọng điểm nhiều nguy cơ tăng nặng là người cao tuổi có nhiều bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin nhằm xác định đúng nhu cầu điều trị, chăm sóc, hỗ trợ cho từng đối tượng để nâng cao hiệu quả điều trị và tiết kiệm nguồn lực của ngành y tế và xã hội. Thực hiện nghiêm việc theo dõi, chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 không triệu chứng, các ca bệnh nhẹ tại nhà nếu đủ điều kiện, đảm bảo không để trở nặng, không được theo dõi, hỗ trợ kịp thời; hạn chế tối đa số ca nhập viện, trở nặng, tử vong do COVID-19, gây tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế của địa phương.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện ngay việc đánh giá, rà soát lại tất cả các phương án đã chuẩn bị, đảm bảo về nhân lực, vật lực (thuốc, hóa chất, vật tư y tế...); bố trí, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất sẵn có; tổ chức lực lượng ứng trực hiệu quả, nhất là đội ngũ nhân viên y tế bảo đảm nguyên tắc “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và yêu cầu “6 đủ” nhằm ứng phó linh hoạt, hiệu quả với mọi tình huống nảy sinh trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân có nhu cầu mà không được hỗ trợ. Đồng thời, hằng ngày phải trực tiếp chỉ đạo xử lý, điều hành, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả việc đưa các ca F0 vào điều trị tại các cơ sở y tế; nắm chắc tình hình các ca bệnh đang được điều trị tại nhà.
Rà soát chặt chẽ theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để khẩn trương hoàn thành dứt điểm việc tiêm mũi 1 cho những người có chỉ định tiêm nhưng chưa tiêm, tiêm mũi 2 đối với những người mới được tiêm mũi 1 và tiêm mũi 3 đối với các trường hợp còn lại chưa tiêm trước ngày 27/02/2022.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người đứng đầu cơ quan y tế cấp huyện, cấp xã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để sót bất kỳ trường hợp nào hoặc để xảy ra tình trạng những người có nguy cơ cao và rất cao, có chỉ định tiêm, có thể tiêm mà không được tiêm, do thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát dẫn tới bị nhiễm SARS-Cov-2 trở nặng và tử vong.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn để nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19 và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nguyên tắc 5K để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Khuyến khích người dân thường xuyên, hằng ngày thực hiện test nhanh; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở phải hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi lại, đồng thời thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm nắm chắc và theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, hằng ngày đánh giá diễn biến cấp độ dịch, khi số ca tăng, chuyển cấp độ thì phải áp dụng ngay các biện pháp phù hợp theo đúng quy định; chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo đảm bảo các điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp an toàn; ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của nhân dân để đạt mục tiêu vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()