Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:35 (GMT +7)
Tăng cường bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại
Thứ 6, 06/08/2021 | 16:54:41 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Các sở, ngành, địa phương cũng tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, triển khai các mô hình, hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em.
Hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác BVCSTE và thành viên Ban điều hành hệ thống BVCSTE các cấp, cộng tác viên xã hội, cán bộ thôn khu. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng, tập huấn kiến thức cho trẻ em, người nuôi dưỡng trẻ và cán bộ, giáo viên; tố chức các hoạt động phát huy trẻ em tham gia vào các hoạt động bảo vệ trẻ em như CLB trẻ em, Diễn đàn trẻ em, mô hình thí điểm phòng chống XHTD trẻ em. Sở cũng thông tin, báo cáo kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhằm tăng cường phối hợp và hỗ trợ, giải quyết; kiểm tra định kỳ hăng năm việc thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em ở các địa phương.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình trẻ em trên địa bàn tỉnh bị xâm hại có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đối tượng phạm tội có tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa dạng trong đó có cả người thân quen, ruột thịt (bố, ông) xâm hại trẻ em. Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm (theo quy định báo cáo tính từ ngày 16/11/2020 đến ngày 14/5/2021), toàn tỉnh xảy ra 12 vụ, 11 trẻ em bị xâm hại tình dục, tăng 8 vụ, 7 trẻ so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả xử lý: đã xét xử 01 vụ ở Đầm Hà (3 năm); đã kết luận điều tra đề nghị truy tố: 9 vụ; đang điều tra 2 vụ. Theo báo cáo nhanh của Phòng Lao động - TB&XH các địa phương, từ ngày 16/5/2021 đến ngày 02/7/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ, 7 trẻ em bị xâm hại tình dục; công an địa phương đang tiến hành xác minh, điều tra.
Về khách quan, nguyên nhân của thực trạng trên là do mặt trái của sự phát triển của công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội, trẻ em và người lớn dễ dàng tiếp cận với thông tin độc hại. Trình độ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, tiếp cận với thông tin, kiến thức còn khó khăn. Trẻ em có nhận thức chưa đầy đủ, ít khả năng tự vệ nên dễ bị xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình khuyết thiếu, gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Cán bộ cơ sở cấp xã quá tải công việc, không kịp thời tham mưu, triển khai có hiệu quả công tác về trẻ em trong khi đội ngũ cộng tác viên tại các thôn, khu không được duy trì do không còn chế độ hỗ trợ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh về các nguyên nhân chủ quan thì vẫn còn có nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức đên công tác BVCSTE nên còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em. Công tác truyền thông, giáo dục chưa phát huy được hiệu quả cao; chưa kiểm soát được chặt chẽ việc tiếp xúc, tiếp cận của trẻ em với các thông tin không phù hợp trên môi trường mạng. Việc giáo dục kỹ năng, kiến thức phòng ngừa xâm hại cho trẻ em trong nhà trường và giáo dục của cha mẹ đối với con cái còn ít, chưa phù hợp. Còn gia đình lơ là, thiếu cảnh giác, chưa chú trọng trong quản lý, trông coi con trẻ (đa số các vụ việc XHTD trẻ em là do gia đình lơ là trong quản lý con)…
Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, phòng chống các nguy cơ xâm hại trẻ em, hiện các đơn vị liên quan đang tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em. Trong đó chỉ rõ vai trò, trách nhiệm từng cấp, ngành và tăng cường sự phối kết hợp ngang, dọc, trên, dưới của các quan nhà nước từ cơ sở (người dân, xã) đến tỉnh. Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, cách thức truyền thông để đến được với từng nhóm đối tượng, đấy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông và nắm bắt thông tin về các hành vi, vụ việc xâm hại, nguy cơ xâm hại trẻ em. Cùng với đó là tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực trẻ em, việc thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em của các cấp, ngành.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết đơn vị sẽ theo dõi chặt chẽ, kiến nghị các cơ quan chức năng điều tra rõ, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo HĐND về thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh; tham mưu HĐND thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em, việc thực hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc XHTD, bạo lực đối với trẻ em; bố trí nguồn lực thỏa đáng cho công tác bảo vệ trẻ em các cấp.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()