Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:34 (GMT +7)
KHÁNH HOÀ: Tan hoang rạn san hô độc đáo trên vịnh Nha Trang
Thứ 6, 10/06/2022 | 22:15:27 [GMT +7] A A
Nhiều du khách rất tiếc nuối khi tham gia các tour lặn biển tại vịnh Nha Trang (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vì những rạn san hô độc đáo nơi đây đang trong tình trạng xơ xác, tan hoang…
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (trước đây có tên gọi Khu bảo tồn biển Hòn Mun) nằm trong Vịnh Nha Trang với diện tích khoảng 160km², bao gồm các đảo Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh.
Theo UBND tỉnh Khánh Hoà, vịnh Nha Trang là một trong những khu vực có tầm quan trọng bậc nhất về bảo tồn biển, du lịch biển độc đáo ở Việt Nam gồm hơn 222 loài cá rạn, trên 350 loài san hô (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới), 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 70 loài rong biển và khoảng 7 loài cỏ biển…. Qua thống kê, các rạn có diện tích khoảng 252 ha, trong đó Hòn Mun và Hòn Rơm là nơi có rạn san hô tương đối ổn định.
Nhưng thời gian gần đây, nhiều du khách trong và ngoài nước trở lại Nha Trang và đi các tour lặn biển, ngắm san hô đều tỏ ra tiếc nuối vì chứng kiến các rạn san hô trong vịnh Nha Trang đã tan hoang, xơ xác… Cụ thể, tại khu vực Đông Bắc Hòn Mun thường được giới lặn biển đánh giá có quần thể san hô phong phú cùng với các sinh vật biển đa dạng nhưng nay là bãi san hô hoang tàn, san hô gãy đổ hàng loạt.
Tại khu vực phía Tây Nam Hòn Mun, tình trạng san hô chết xuất hiện nhiều. Nhiều thảm san hô bị đánh gãy, trắng xóa cả vùng biển ở phía cầu cảng.
Riêng điểm lặn khu vực Nam Hòn Mun, Ban quản lý (BQL) Vịnh Nha Trang yêu cầu không được sử dụng khí tài lặn (có bình dưỡng khí) bởi đây là vùng bãi đẻ của sinh vật biển nên chỉ có thể lặn bằng mặt nạ ống thở (snokerling). Tại đây, rạn san hô còn rất đẹp và phong phú thu hút nhiều nhóm cá với số lượng lớn về trú ngụ.
Theo ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng BQL vịnh Nha Trang, sự suy thoái rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố tác động. Trong đó, các yếu tố như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hệ sinh thái. Tuy nhiên, các yếu tố trên lại mang tính khách quan, toàn cầu, rất khó kiểm soát, điều chỉnh.
Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô (coral bleaching) đã gây những tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái rạn san hô trên toàn thế giới trong vài thập niên gần đây. Đối với vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy, tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%. Để rút ngắn thời gian phục hồi (ước tính phải 10 năm), trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các công tác bảo tồn biển; nâng cao nhận thức, khả năng của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị vịnh Nha Trang.
Năm 2001, Khu bảo tồn biển Hòn Mun - dự án bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam chính thức ra đời. Dự án do Bộ Thủy sản, UBND tỉnh Khánh Hòa và IUCN - Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới thực hiện. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Ngân hàng thế giới; Chính phủ Hoàng gia Đan Mạch thông qua DANIDA và IUCN tài trợ, cùng với vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()