Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:21 (GMT +7)
Quản lý, phát huy giá trị các di sản văn hoá: Các chuyên gia nói gì?
Chủ nhật, 07/01/2024 | 07:38:14 [GMT +7] A A
Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh có kho di sản văn hoá vật thể, phi vật thể vô cùng giá trị, đa dạng về thể loại, phong phú về loại hình. Đây là nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch vốn được coi là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Xung quanh việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hoá của Quảng Ninh làm sao hiệu quả, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi lại ý kiến của một số nhà nghiên cứu, chuyên gia về quản lý văn hoá.
PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được xem là động lực chính cho sự phát triển bền vững".
Quảng Ninh có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 8 di tích quốc gia đặc biệt, 44 di tích quốc gia, 87 di tích cấp tỉnh, 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, 7 di sản phi vật thể quốc gia và 13 bảo vật quốc gia. Đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được xem là động lực chính cho sự phát triển bền vững. Kể từ khi được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994, UNESCO đã từng nhiều lần đưa ra khuyến nghị về vấn đề bảo tồn Vịnh Hạ Long tập trung ở những nội dung về những mối đe dọa có khả năng ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Trong đó, có ngành công nghiệp khai thác than, xi măng, nước thải và chất thải, nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, công nghiệp hóa và đô thị hóa ở vùng đệm; các dự án phát triển kinh tế trọng điểm và các hoạt động đổ đất lấn biển tại các khu vực xung quanh khu di sản; tăng cường năng lực quản lý của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. UNESCO cũng đưa ra các quy định quản lý du khách để hạn chế tác động từ khách du lịch ở các khu vực quan trọng nhằm giảm áp lực của du khách tới di sản; cung cấp bản đồ với chỉ thị rõ ràng về các ranh giới hiện tại và vùng đệm của khu di sản... Đồng thời, nghiên cứu kết nối các tuyến tham quan Vịnh Hạ Long với các di tích danh thắng khác trên địa bàn tỉnh để tối ưu hoá những tiềm năng về di sản và giảm tải áp lực của hoạt động du lịch đối với Vịnh Hạ Long.
|
Ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa và Nay, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: "Văn hoá là một động lực, văn hoá là một tài nguyên"
Là người hoạt động trong lĩnh vực lịch sử và bảo tồn, tôi rất mừng khi đến với Quảng Ninh, nhận thấy bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của đô thị du lịch thì tỉnh nhà còn rất quan tâm đến việc xây dựng một bảo tàng lịch sử tương xứng với tiềm năng. Tòa bảo tàng rất hiện đại này đang hàng ngày hàng giờ đóng góp cho sự phát triển của Quảng Ninh nói riêng và đất nước nói chung, gắn liền với sự phát triển của ngành du lịch.
Chúng ta đều biết rằng, bây giờ quan điểm của chúng ta coi văn hoá là một động lực, văn hoá là một tài nguyên. Vì thế, Bảo tàng Quảng Ninh phát huy vai trò của mình trong việc bảo tồn và phản ánh những giá trị lịch sử, giá trị tinh thần là trách nhiệm. Quảng Ninh cần có những bộ sưu tập tương xứng hơn nữa về tài nguyên biển, phương tiện khai thác biển, đặc trưng của cư dân biển. Quảng Ninh cũng cần có một bảo tàng cảnh quan được tạo dựng từ những cơ sở hầm mỏ cũ như một mỏ ký ức vùng than đáng để gìn giữ và phát huy giá trị vẻ vang của quá khứ.
|
GS.TS Trần Lâm Biền, Tổng Biên tập tạp chí Di sản văn hoá, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: "Cần có những cuộc điền dã nghiên cứu chuyên sâu về di sản văn hoá"
Trong những năm qua, đã có rất nhiều các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được trùng tu, tôn tạo. Cùng với các công trình kiến trúc chính, hệ thống sân vườn, cây cảnh, đường đi, tường bao quanh các di tích cũng được tôn tạo, làm cho cảnh quan di tích khang trang, sạch đẹp hơn. Kết quả này không chỉ giúp cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hoá mà còn đáp ứng lòng mong mỏi, nhu cầu tín ngưỡng của phật tử và du khách thập phương. Đồng thời, góp phần đáng kể thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh. Tuy nhiên, việc trùng tu, tôn tạo các di tích, nhất là đình, chùa thì việc phải có những kiến thức nhất định về tín ngưỡng, văn hoá dân gian là vô cùng cần thiết, nhằm đảm bảo tối đa tính nguyên gốc của di tích. Chúng tôi mong rằng, gần đây sẽ có những cuộc điền dã văn hoá Quảng Ninh với sự tham gia của các nhà nghiên cứu chuyên sâu về di sản văn hoá, cán bộ quản lý văn hoá của địa phương, các nhà Hán Nôm học, đại diện chính quyền địa phương...
|
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội: "Bảo tồn phải song hành với việc khai thác và phát huy giá trị của di tích"
Quảng Ninh cần xem xét lập hồ sơ đề nghị cụm di tích núi Bài Thơ với 11 điểm di tích là di tích quốc gia đặc biệt. Tôi nghĩ, với giá trị tự thân của di tích đã xứng đáng trở thành di tích quốc gia đặc biệt nhưng còn một giá trị, ý nghĩa lớn hơn nữa đó là Cụm di tích núi Bài Thơ là biểu tượng, là tượng đài thể hiện chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông Bắc. Hoạt động bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị của cụm di tích núi Bài Thơ nên gắn bó chặt chẽ với phát triển du lịch, coi đó như hai mặt của một vấn đề và chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ lớn hơn rất nhiều. Việc khai thác phát huy giá trị cụm di tích cũng cần tạo sự liên kết với các di tích khác ở trong và ngoài TP Hạ Long để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bảo tồn các di tích phải song hành với việc khai thác và phát huy giá trị của di tích ấy, để biến những giá trị đó trở thành các sản phẩm văn hoá có khả năng đem lại lợi ích kinh tế. Việc phát triển du lịch dựa vào tiềm năng giá trị của các di tích, di sản văn hoá được xác định là một ngành công nghiệp văn hoá có nhiều lợi thế phát triển ở Việt Nam, nhất là những địa phương sở hữu nhiều di sản văn hoá có giá trị tiêu biểu như Quảng Ninh.
|
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()