Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:12 (GMT +7)
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nặng lòng với đề tài lịch sử
Chủ nhật, 06/08/2023 | 10:01:49 [GMT +7] A A
Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm 1964 - 1976, ông công tác ở Báo Vùng Mỏ, rồi Báo Quảng Ninh. Tiếp đó, ông chuyển về công tác tại Bộ Văn hóa- Thông tin cho tới lúc nghỉ hưu. Nhà văn Hoàng Quốc Hải là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết lịch sử. Những chất liệu khi còn làm ở báo Vùng mỏ được ông chắt lọc đưa vào trang văn của mình thật sinh động.
Nhà báo, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhớ lại: Hồi ở Quảng Ninh, tôi làm báo Vùng mỏ, theo dõi mảng công nghiệp. Lúc đó, báo chỉ có hai mảng chính là công nghiệp và nông nghiệp, tôi viết về công nghiệp vì nghĩ nó hợp với tạng của mình hơn.
Tuy vậy, trong quá trình đi làm báo tôi lại rất thích đến những di tích đền, chùa để tìm hiểu về văn hoá truyền thống của dân tộc. Ví dụ như có lần tôi ra Quan Lạn vì thấy bảo ở đó có đền thờ Trần Khánh Dư và đền thờ Lý Anh Tông. Tôi thuê thuyền ra rồi vào nhà dân tìm hiểu, ghi chép tư liệu. Thời đó ra đảo rất khó khăn. Tôi bị mấy anh ở hợp tác xã, dân quân theo dõi nghi ngờ là gián điệp. Tôi phải vội lên tàu vào đất liền. Về nhà, tôi viết bài báo phê bình lối làm ăn trì trệ của hợp tác xã đó. Còn những tư liệu về di tích thì tôi để đó chứ thời điểm ấy chúng tôi có viết cũng khó đăng.
Khi xa Quảng Ninh rồi tôi mới viết nhiều. Và nhiều tác phẩm sau này là tôi viết về Quảng Ninh hoặc lấy chất liệu từ Quảng Ninh. Ngay cả giờ đây, tuổi đã cao, mỗi năm tôi đều cố gắng về thăm Quảng Ninh ít nhất một lần để tìm tư liệu, cái mà người ta gọi là “dấu xưa” ấy. Tất nhiên, không có tư liệu thì làm sao viết được. Những năm làm báo ở Vùng mỏ và cả những chuyến thực tế sáng tác sau này đều cho tôi những tư liệu rất quý giá. Với tôi, những kỷ niệm ở Quảng Ninh rất sâu sắc, chuyện gì cũng đều đáng nhớ cả. Ở Vùng mỏ, tôi có nhiều đồng nghiệp như những người chị, người anh trong gia đình. Chúng tôi sống với nhau mà chẳng ai băn khoăn kêu ca về những khó khăn, gian khổ. Chúng tôi chia sẻ với nhau từng cuốn sách hay, từng nỗi niềm cuộc sống...
Nhà văn Hoàng Quốc Hải là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết lịch sử. Những chất liệu khi còn làm ở báo Vùng mỏ được ông chắt lọc đưa vào trang văn của mình thật sinh động. Dù ở đâu, công việc chính yếu chiếm trọn thời gian của ông đều là viết văn, viết báo. Chuyên tâm với tiểu thuyết lịch sử, hàng vạn trang viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã góp phần quan trọng trong dòng chảy văn học, dòng chảy lịch sử Việt Nam.
Ông làm báo, viết văn, đồng thời là chuyên viên văn hóa nhiều năm tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong văn học, ông viết cả tiểu thuyết, ký, truyện ngắn, tiểu luận, tản văn, tiêu biểu là các tiểu thuyết về đề tài lịch sử như "Bão táp Triều Trần" (6 tập), "Tám triều Vua Lý" (4 tập) với 6.500 trang. Hai bộ tiểu thuyết chủ chốt của ông "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý" với hàng vạn trang viết tay chứa đựng biết bao tâm tư, thông điệp có ích tới bạn đọc, với Tổ quốc và nhân dân. Hai bộ tiểu thuyết trên cũng đã góp phần khơi nguồn sáng tạo cho các nhà văn thế hệ kế cận.
Nhà văn nhớ lại: "Thời tôi ở Quảng Ninh chủ yếu là viết báo, còn viết văn thì làm gì có điều kiện, lấy đâu mà sung sức. Khi xa Quảng Ninh rồi tôi mới viết nhiều. Và nhiều tác phẩm sau này là tôi viết về Quảng Ninh hoặc lấy chất liệu từ Quảng Ninh. Tiểu thuyết đầu tiên của tôi tên là “Chiến luỹ đá” viết về Quảng Ninh, về núi Canh ở xã Yên Đức (huyện Đông Triều)".
Tiểu thuyết “Chiến luỹ đá” của nhà văn Hoàng Quốc Hải viết về cuộc chiến đấu của các chiến sĩ ở núi Canh xã Yên Đức. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp núi Canh đã từng là kho dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Hang 73 ở phía Tây núi là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đã giết và hun chết 106 người, trong đó có 73 chiến sỹ, cán bộ, đồng bào ta. Mùa đông năm 1950, thực dân Pháp mở đợt càn quét với quy mô lớn quyết tâm chiếm bằng được Yên Đức để làm bàn đạp bình định các xã phía đông nam của huyện, khai thông đường sang Hải Phòng. Chúng vây hãm Yên Đức suốt 7 ngày đêm; tăng cường thuỷ, lục, không quân có pháo binh yểm trợ. Các chiến sĩ cách mạng của ta phải rút vào hang núi Canh để cố thủ. Rạng sáng ngày 2/12/1950, chúng nã pháo xối xả vào núi Canh, sau đó cho quân tiến vào núi. Bị các chiến sĩ ta bắn trả quyết liệt nên chúng tức tối bắt dân vào làng chặt tre vây núi ba vòng nhằm chặn đường tiếp tế và ngăn cản lối ra của quân ta. Du kích Yên Đức ở trong hang, lương thực đã cạn kiệt, đạn dược hạn chế, nhưng vẫn chiến đấu kiên cường. Giặc Pháp điên cuồng ném lựu đạn, hơi cay, đổ xăng vào các cửa hang mà đốt, kết hợp với bơm khí độc vào hang. Hậu quả là 106 chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh. Dã man hơn, chúng còn cho lôi xác 73 người ra để ném chung vào một hố để hòng thị uy. Từ đấy cái hang này được bà con Yên Đức gọi tên là Hang 73. Sau này, nhân dân Yên Đức đã xây trước cửa hang một ngôi mộ lớn và tấm bia căm thù để ghi nhớ sự kiện này.
Sau này, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã viết tiểu thuyết “Bão táp triều Trần”, được Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản lần đầu năm 2003 với 4 tập và sau đó đã được tái bản nhiều lần. Sau đó, ông lại thêm 2 tập nữa, nâng tổng số tập của tuyển tập tiểu thuyết này thành 6 tập, ra mắt vào năm 2010. Đặt vào bối cảnh nhà Trần, tiểu thuyết này viết chủ yếu về triều nhà Trần với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và sự kết thúc đầy bi kịch của triều đại này. Bộ tiểu thuyết gồm 6 tập: Bão táp cung đình, Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp đổ.
Bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần" được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2008 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.
"Vì không đủ thì giờ nên nhắc đến chiến thắng Bạch Đằng, tôi viết theo lát cắt, trận gay cấn nhất 1285 tôi viết trước. Tôi viết “Huyết chiến Bạch Đằng”, bổ sung cho liền mạch đầy đủ ba chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Có ông bạn tôi ở Quảng Ninh đọc rồi bảo nếu không viết đủ 3 trận chiến ấy thì chưa thể gọi là viết gì. Ngay cả giờ đây, tuổi đã cao, mỗi năm tôi đều cố gắng về thăm Quảng Ninh ít nhất một lần để tìm tư liệu, cái mà người ta gọi là “dấu xưa” ấy. Tất nhiên, không có tư liệu thì làm sao viết được…"- nhà văn chia sẻ.
Nhà văn phải vượt qua biết bao khó khăn của bệnh tật tuổi tác để hoàn thành bộ tiểu thuyết. Ông kể: "Khi đang viết cuốn “Huyết chiến Bạch Đằng” thì mắt bên trái tôi mờ không nhìn thấy gì nữa. Máu mắt chảy ra. Bác sĩ ở Bệnh viện Việt Xô chữa bằng cách tiêm thẳng vào mắt. Nhà văn Trần Lê Văn thấy thế bảo: “Ông chữa như thế là mù đấy. Sang bên viện mắt chỗ con gái Nguyệt Thanh của tôi mà chữa. Tôi sang Bệnh viện Mắt trung ương, bác sĩ Nguyệt Thanh nói: “Anh phải nghỉ ba tháng không làm việc”. Tôi nói: “Anh không có thì giờ nghỉ được ba tháng đâu”. Cô lại nói: “Thế anh nghỉ ba tuần”. Tôi lại nói: “Không được”. Nguyệt Thanh bảo: “Em nói một cách rất nghiêm túc đấy. Anh phải nghỉ ít nhất một tuần. Nếu anh cứ làm việc mà để mắt bị chảy máu lần nữa là mù”. Tôi gật đầu. Nhưng qua ba ngày thấy có vẻ ổn nên nghĩ ra mẹo bịt mắt trái lại và tiếp tục cầm bút. Tôi viết “Huyết chiến Bạch Đằng” như lên đồng. Nhưng quá trình tìm hiểu thì mất rất nhiều thì giờ. Trước kia tôi đã điền dã nhiều lần địa bàn cần viết. Nhưng trước khi cầm bút tôi lại đi lại hành trình từ Kiếp Bạc đi theo sông Bạch Đằng ra biển, đi các đảo, kể cả đảo Vạn Hoa...
Nhà văn Hoàng Quốc Hải có nhiều kỷ niệm sâu sắc khi còn ở Quảng Ninh. "Với tôi, những kỷ niệm ở Quảng Ninh cái nào cũng sâu sắc, chuyện gì cũng đều đáng nhớ cả. Ở Vùng mỏ tôi có nhiều đồng nghiệp như những người chị, người anh trong gia đình chăm chút cho tôi, một chàng trai có vóc dáng thư sinh. Họ gánh vác rất nhiều công việc vất vả cho tôi. Chúng tôi sống với nhau mà chẳng ai băn khoăn kêu ca về những khó khăn, gian khổ. Chúng tôi chia sẻ với nhau từng cuốn sách hay, từng nỗi niềm cuộc sống. Có những người bạn sống với nhau đến tận bây giờ vẫn còn rất thân thiết với nhau"- nhà văn chia sẻ.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()