Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 25/01/2025 21:40 (GMT +7)
Tầm soát ung thư: Hiểu đúng để đừng phí tiền và thêm sầu lo
Thứ 5, 27/06/2024 | 23:16:08 [GMT +7] A A
Mặt trái của sàng lọc ung thư là những lời chiêu dụ lẫn thổi phồng về chuyện đi thực hiện các xét nghiệm không cần thiết gây tốn kém tiền bạc vô kể cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Nhiều người sợ ung thư, nghe theo các giới thiệu đã tích cực đi xét nghiệm, sàng lọc bệnh ung thư mà không biết mình mất tiền oan, mang thêm lo nghĩ, bệnh tật vào người.
Thực tế việc sàng lọc ung thư phải làm những gì?
Chớ làm hại bệnh nhân
Bác sĩ Trịnh Thế Cường (khoa hóa chất, Bệnh viện E trung ương) cho biết ông đã nhiều lần cảnh báo về xét nghiệm marker (chất chỉ điểm khối u) - xét nghiệm máu tầm soát ung thư nhưng vẫn thường xuyên nhận được hình ảnh một list dài xét nghiệm marker ung thư của bệnh nhân "cầu cứu" tư vấn.
"Nhiều bệnh nhân cầm mấy tập A4 với hàng loạt marker ung thư đến tư vấn, tiền xét nghiệm bằng cả tháng lương bác sĩ, thấy mà xót" - bác sĩ Cường nói.
Bác sĩ cho biết một số nơi lợi dụng nỗi ám ảnh ung thư của người dân để tư vấn, quảng bá các xét nghiệm không cần thiết. Đa số xét nghiệm marker ung thư không dùng để sàng lọc/tầm soát ung thư nhưng rất nhiều các quảng cáo kiểu: miễn phí 5.000 xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng (CEA) cho người dân...
"Đã có trường hợp một bà cụ nghèo đi khám mắt cá chân, làm xét nghiệm marker ung thư hết 2,5 triệu đồng, sau đó hết tiền mua thuốc đau chân. Mong sao các bác sĩ hãy suy nghĩ kỹ khi chỉ định xét nghiệm marker ung thư cho bệnh nhân" - bác sĩ Cường chia sẻ.
Xét nghiệm CEA (là xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán một số loại ung thư) hay các xét nghiệm marker ung thư khác có nên vô tư dùng để sàng lọc ung thư không?
Các bác sĩ cho biết chỉ người trong nghề mới biết, nó không thật sự dừng ở đó.
Cụ thể như trường hợp một bệnh nhân đi tầm soát ung thư phổi bằng xét nghiệm máu Cyfra 21-1 tăng nhẹ...
Bệnh nhân này sốc, lo lắng mất ăn mất ngủ, công việc bỏ bê, gia đình sao nhãng, mất tinh thần. Sau đó đi chụp cắt lớp lồng ngực có tiêm thuốc chẩn đoán, có rủi ro về thuốc cản quang và bị tích lũy bức xạ là thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc.
Đặc biệt là mặt trái của sàng lọc ung thư không đúng chỉ định. Có trường hợp sản phụ có thai đi khám lại chỉ định sàng lọc ung thư phổi bằng xét nghiệm máu (Cyfra 21-1). Kết quả hơi cao chút, nhưng mang thai không chụp được CT phổi khiến cả gia đình và thai phụ lo lắng, ảnh hưởng đến thai nhi.
Hơn nữa, dùng các marker ung thư để sàng lọc ung thư cho người lớn đã không ổn, nhiều trường hợp còn xét nghiệm sàng lọc ung thư cho cả trẻ em.
Có thể gây hại
Các bác sĩ, chuyên gia phân tích chỉ số marker ung thư không có ý nghĩa trong sàng lọc ung thư vì 3 lý do sau:
Sàng lọc ung thư là phát hiện ung thư khi nó chưa có biểu hiện lâm sàng, tức là khối u còn nhỏ. Mà u còn nhỏ đa số không làm tăng marke ung thư. Do vậy xét nghiệm chỉ tốn tiền.
Nhiều loại ung thư đã to bằng nắm tay, di căn nhiều nơi rồi mà marker ung thư không tăng. Nhiều bệnh nhân xét nghiệm marker ung thư thấy bình thường, nghĩ là yên tâm nên không đi sàng lọc ung thư theo khuyến cáo chính thống như nội soi dạ dày, đại tràng, chụp XQ vú... để lúc có triệu chứng rồi thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Như vậy, xét nghiệm marker ung thư tạo cho mọi người sự an toàn ảo.
Tiếp đến, marker ung thư có thể tăng trong ung thư, có thể tăng trong bệnh lý khác như viêm nhiễm, hút thuốc... Điều này khiến tâm lý bệnh nhân bất ổn và xét nghiệm marker ung thư không đúng chỉ định còn gây hại.
Chưa phát hiện sớm ung thư
Bác sĩ Trần Đức Cảnh (Bệnh viện K) nhấn mạnh xét nghiệm marker ung thư là không cần thiết.
Bác sĩ Cảnh phân tích, chất chỉ điểm khối u là những protein được sản xuất và giải phóng vào máu bởi các tế bào ung thư hoặc bởi chính các tế bào lành của cơ thể để phản ứng với sự hiện diện của các tế bào ung thư (hoặc trong một số tình trạng bệnh lý lành tính khác, không phải ung thư). Những chất này có thể được tìm thấy trong máu, nước tiểu, mô.
Các chất chỉ điểm khối u không đặc hiệu trong các bệnh lý ung thư. Do vậy sự hiện diện của chúng không đủ để chẩn đoán ung thư. Các chất chỉ điểm khối u có thể tăng cao ở những bệnh lý không ung thư hoặc trong trường hợp viêm nhiễm.
Đặc biệt, Tumor Marker không tăng cao kể cả khi bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn. Do vậy, xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm khối u không được khuyến cáo để làm phương pháp tầm soát sớm bệnh ung thư.
Theo kết luận từ rất nhiều nghiên cứu về các dấu ấn ung thư đều khẳng định rằng không có một xét nghiệm máu nào có thể cho kết quả đáng tin cậy trong khảo sát, phát hiện sớm ung thư.
Ví dụ nhiều người còn cho rằng nồng độ CA 72-4 trong máu cao hơn mức bình thường chắc chắn là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Quan điểm này là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế chỉ số CA 72-4 có thể tăng cả trong một số bệnh lành tính.
CEA là protein trên bề mặt tế bào, chỉ điểm cho ung thư đại trực tràng, dạ dày ruột, phổi và vú. CEA còn tăng ở người nghiện thuốc lá, xơ gan, polyp trực tràng, viêm loét trực tràng, bệnh tuyến vú lành tính. Không dùng CEA cho sàng lọc ung thư.
Ngược lại một người ung thư dạ dày nhưng không nhất định phải có CEA tăng.
CA 19.9 là dấu ấn của ung thư biểu mô đại trực tràng và tụy. Tuy nhiên nó cũng có thể tăng ở bệnh nhân ung thư gan mật, dạ dày, tế bào gan và nhiều bệnh lành tính như viêm tụy, bệnh dạ dày ruột.
Nên làm những xét nghiệm gì khi đi tầm soát ung thư? Theo các chuyên gia y tế, để tầm soát và phát hiện sớm ung thư một cách tốt nhất, tránh làm những xét nghiệm lãng phí không cần thiết và để tiết kiệm, nên thực hiện: - Siêu âm: nên thực hiện siêu âm tuyến giáp và hạch cổ, siêu âm ổ bụng, siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm vú (với nữ). - Nội soi tiêu hóa: bao gồm nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng, nội soi đại - trực tràng. - Nội soi tai mũi họng, soi cổ tử cung, làm tế bào cổ tử cung (với nữ). - Chụp CT scanner lồng ngực để chẩn đoán các bệnh lý ung thư phổi, trung thất… - Làm xét nghiệm máu cơ bản: chỉ số đường huyết, mỡ máu, men gan, chức năng thận, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu. - Không cần làm các xét nghiệm marker ung thư trong máu, vì ít giá trị chẩn đoán do có độ nhạy và độ đặc hiệu không cao, thường chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót chẩn đoán. Chỉ có chỉ định làm các marker ung thư trong máu khi có nghi ngờ trong một số bệnh lý ung thư như AFP trong chẩn đoán ung thư gan hay PSA trong ung thư tuyến tiền liệt (ở nam). Với những nội dung tầm soát thế này, có thể tầm soát tới trên 90% các bệnh ung thư phổ biến nhất, chỉ còn một số ít các loại khác như: ung thư xương, ung thư não… |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()