Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:40 (GMT +7)
Tầm nhìn xa và tư duy đột phá
Thứ 4, 21/02/2024 | 08:28:17 [GMT +7] A A
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh, gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh không ngừng nỗ lực, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Có được kết quả đó, trong suốt hành trình phát triển, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi và đi tiên phong thử nghiệm những cách làm mới chưa có tiền lệ, mang tính đột phá, giúp tạo nên những kỳ tích phát triển.
Khát vọng toả sáng
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức xuất hiện gay gắt hơn, tác động sâu sắc, toàn diện về mọi mặt, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XV. Kịp thời đề ra, cũng như chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chủ động, quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế để trụ vững và vượt qua các thách thức, hậu quả do dịch Covid-19 gây ra, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, nhiều mô hình mới, cách làm đột phá mà Quảng Ninh làm thí điểm đã đạt hiệu quả rõ nét được ghi nhận, đánh giá cao và có mô hình được nhân rộng trong cả nước. Tỉnh luôn kiên trì, chủ động và sáng tạo thực hiện ba đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước về huy động nguồn lực đầu tư đối tác công-tư (PPP), "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", thu hút nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế - nguồn động lực đột phá tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng theo chiều sâu hợp tác quốc tế.
Tỉnh cũng đã kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nội lực, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, vượt qua các thách thức, quản trị tốt rủi ro, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số trong 9 năm liên tiếp. Đặc biệt, tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 35% năm 2010 xuống còn 20,2% năm 2023, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế tích cực, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá. Quảng Ninh cũng tạo bứt phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối theo hướng kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh. Phát triển khá cân đối giữa các vùng miền, tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền, hoàn thành trước nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020-2025. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 9.500 USD (gấp 3,9 lần so với năm 2010, gấp 21,6 lần so với năm 2000 và 40,5 lần so với năm 1995), gấp 2,23 lần so với bình quân chung cả nước và đứng thứ 2 toàn quốc. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng được cải thiện, nâng lên, đặc biệt là thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, năm 2023 ước đạt là 6,112 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước. Ðến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đồng thời hoàn thành trước ba năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Với việc chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, Quảng Ninh đã tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo đà vươn lên. Có thể khẳng định, Quảng Ninh luôn lựa chọn đúng nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với mọi tình huống đột xuất, bất ngờ trên các lĩnh vực. Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tập trung triển khai cụ thể hóa bốn quan điểm định hướng lớn, năm nhiệm vụ trọng tâm, ba khâu đột phá và các nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp lớn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, khoa học, rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện, rõ thời gian hoàn thành.
Nỗ lực cho những đột phá mới
Quảng Ninh hôm nay đã và đang thực sự đổi khác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới của vùng phên dậu phía Đông Bắc Tổ quốc. Đó là thành quả của những khát vọng đổi mới không ngừng, của sự nỗ lực, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới. Còn đối với mỗi công dân của Quảng Ninh, sự đổi mới của quê hương sẽ tiếp tục hun đúc thêm niềm tự hào, khát vọng được cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chia sẻ về những bước đi, cách làm của Quảng Ninh, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận đã nhấn mạnh: Khả năng lắng nghe với tầm nhìn xa của đội ngũ lãnh đạo đã mang lại bước phát triển cho Quảng Ninh, khơi dậy niềm tin và niềm tự hào của mọi người dân trong tỉnh, mang lại một mô hình phát triển kinh tế bền vững, đột phá mà nhiều địa phương hiện đang cố gắng vươn lên có thể tham khảo. Quảng Ninh đang dần hiện thực hóa khát vọng chứa đựng trong nội hàm tên gọi: “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Với tư duy phát triển dài hạn, một mô hình quản trị bền vững và đội ngũ lãnh đạo có tầm, dám quyết, dám làm, chắc chắn tỉnh sẽ đạt được những thành tựu đặt ra như mong đợi.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những kinh nghiệm hun đúc trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song Quảng Ninh vẫn tự tin đặt ra cho mình những mục tiêu cao để phấn đấu, trong đó đến năm 2025 quy mô GRDP đạt khoảng 408.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người 11.000-12.000 USD/năm; tỷ lệ đô thị hóa trên 75%; tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, đặc biệt là ngành bán dẫn vào các khu công nghiệp, khu kinh tế có lợi thế so sánh, nhất là những khu công nghiệp có kết cấu hạ tầng đồng bộ như Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong, Việt Hưng, năm 2024 đạt ít nhất 3 tỷ USD, lũy kế trong cả giai đoạn 2020-2025 đạt trên 10 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2030 trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế...
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác định nhiệm vụ bao trùm là: Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, lấy phát triển theo chiều sâu làm hướng chủ đạo; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, lấy người dân làm trung tâm, “dân là gốc”, vừa nâng cao đời sống vật chất, vừa nâng cao đời sống tinh thần và hạnh phúc của người dân, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người dân tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho xã hội. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận và hỗ trợ những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo và những đối tượng dễ bị tổn thương khác...
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những vấn đề trên, tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới một tương lai phát triển bền vững và phồn thịnh. Điều đó không chỉ giúp củng cố, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà còn tạo ra một môi trường sống tốt đẹp, thịnh vượng cho cả cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Sự đồng lòng, dọc ngang thông suốt của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chính là động lực quan trọng để biến định hướng và tầm nhìn này thành hiện thực. Đó là Quảng Ninh sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ trên bản đồ du lịch thế giới mà còn là sự thu hút đặc biệt ở sự phát triển toàn diện và bền vững. Quảng Ninh sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, năng động, một trung tâm du lịch quốc tế nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()