Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:07 (GMT +7)
Tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của Quảng Ninh
Thứ 7, 09/07/2022 | 07:01:37 [GMT +7] A A
Sau gần 10 năm kiên trì, tuân thủ thực hiện 7 quy hoạch chiến lược như một chỉ dẫn quan trọng, Quảng Ninh đã định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức để triển khai các mục tiêu phát triển. Từ đó, vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động, cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Giai đoạn hiện nay, những hạn chế từ quy hoạch cũ đã bắt đầu bộc lộ, điều này thôi thúc Quảng Ninh triển khai sớm một quy hoạch mới toàn diện, đầy đủ và phù hợp hơn.
Quy hoạch triển khai trên nền tảng kế thừa
Năm 2014, Quảng Ninh công bố 7 quy hoạch chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đây, tỉnh đã xác định rõ không gian phát triển theo hướng “Một tâm, hai tuyến, đa chiều” với 2 mũi đột phá là KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái. Tâm TP Hạ Long là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh để hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của đất nước. Sau gần một thập kỷ nhìn nhận và đánh giá, Quảng Ninh đang đi đúng hướng theo các quy hoạch đã được lập, công bố, cũng như đã phát huy hiệu quả.
Các quy hoạch không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển, là công cụ của công tác quản lý nhà nước, khung pháp lý cho việc đầu tư các lĩnh vực, là cơ sở để các cấp, ngành lập kế hoạch xây dựng những chương trình, dự án phát triển KT-XH, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, mà còn là động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Đáng chú ý, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thể hiện tầm nhìn xa của tỉnh trong chiến lược phát triển bền vững.
Trong chuyến thăm, làm việc tại Quảng Ninh vào tháng 4 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ cảm xúc: “Tận mắt chứng kiến những thành quả cụ thể, tôi rất vui mừng, phấn khởi về sự phát triển của Quảng Ninh trong những năm gần đây. Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc".
Kế thừa những thành tựu quan trọng, định hướng không gian phát triển của Quảng Ninh trong giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Quảng Ninh kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm đảm bảo mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Điều đó khẳng định chắc chắn rằng không gian phát triển của tỉnh trong thập kỷ vừa qua và thập kỷ tiếp theo sẽ vẫn là hướng đi tâm - tuyến như "sợi chỉ đỏ" kết nối mạch nguồn để Quảng Ninh ngăn nắp và quy củ hơn nữa.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch tỉnh là căn cứ quan trọng trong triển khai phát triển KT-XH. Bởi thực tế, không có quy hoạch thì rất khó trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực một cách bài bản, hiệu quả cao nhất; khó tạo được môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển KT-XH, cũng như khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh.
Vì thế, tỉnh đã tiến hành nhận định những hạn chế, cũng như các lợi thế hiện nay. Đó là cơ cấu kinh tế toàn tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm công nghiệp khai thác tiêu tốn nhiều tài nguyên hữu hạn sang công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; sự phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông đã tăng cường sự kết nối với các địa phương, hành lang kinh tế trong nước và thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới... để báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thuê tư vấn nước ngoài là những chuyên gia, đơn vị uy tín hàng đầu thế giới và trong nước nghiên cứu, tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược
Để triển khai lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm không khoán trắng mọi việc cho tư vấn, tỉnh đã đổi mới cách thức, phương pháp triển khai bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để chỉ đạo triển khai xây dựng đồng bộ các quy hoạch từ cấp tỉnh đến địa phương; thành lập các tổ tư vấn giúp việc và trực tiếp làm việc với các đơn vị tư vấn triển khai nghiên cứu lập quy hoạch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết: Không ai hiểu mình hơn chính mình. Chỉ có chúng ta mới biết rõ chúng ta có những tiềm năng, lợi thế gì và tầm nhìn ra sao, mong muốn 20-30 năm tới như thế nào, để từ đó lập quy hoạch cho phù hợp và hiện thực hóa được mục tiêu đó. Vì thế, dù có thuê tư vấn lập quy hoạch, các cấp chính quyền của Quảng Ninh chính là những người lăn lộn nhất trong công tác lập quy hoạch cho tỉnh với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và dài hạn.
Trên cơ sở đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhận diện những mâu thuẫn, thách thức hiện nay, đó là mâu thuẫn giữa không gian phát triển rộng lớn, tiềm năng to lớn, với sự hạn hẹp về thể chế, cơ chế chính sách của một địa phương đang giữ vị thế là cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc; mâu thuẫn, xung đột giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, với phát triển du lịch, dịch vụ cùng trên một địa bàn, cùng một không gian phát triển... để xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp, bền vững theo hướng dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Quy hoạch đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu... Tầm nhìn năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao...
Định hướng không gian phát triển là “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực phát triển, hai vành đai đô thị ven biển và vùng đồi”. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 7 đơn vị hành chính cấp quận; phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển đứng đầu các tỉnh ven biển phía Bắc, đạt đẳng cấp khu vực và thế giới về phát triển đô thị biển, công nghiệp biển, du lịch dịch vụ biển và dịch vụ hàng hải... Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lồng ghép vào quy hoạch quốc gia, xây dựng phù hợp với định hướng phát triển đất nước, bảo đảm tính khoa học và đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch.
Theo đánh giá từ Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh do Bộ KH&ĐT chủ trì ngày 29/6 vừa qua, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các thành viên hội đồng đều thống nhất: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đã xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch theo như đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức liên quan. Phương pháp lập quy hoạch, cách tiếp cận lập quy hoạch đã bảo đảm tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững, hướng tới sự đổi mới trong nội dung quy hoạch.
Như vậy, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên quan điểm phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng. Trong đó, tập trung phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức, nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân...
Quy hoạch được công khai, minh bạch trong một tổng thể phát triển dài hạn, sẽ giúp tỉnh loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ và tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển, xây dựng thương hiệu, để trở thành cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng tỉnh.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()