Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:21 (GMT +7)
Tấm gương sáng nơi tuyến đầu chống dịch
Thứ 2, 14/02/2022 | 09:49:50 [GMT +7] A A
“Bất cứ nơi đâu cần, bất cứ lúc nào, tôi cũng luôn sẵn sàng tâm thế lên đường làm nhiệm vụ” - Đó là tâm sự, cũng là lời tuyên thệ mà Đại úy chuyên nghiệp, bác sĩ Nguyễn Hữu Lực, Bệnh xá, Phòng Hậu cần Bộ CHQS tỉnh, đã tự khắc ghi trong tim mình. Trở về từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh vào cuối năm 2021, mùa xuân này, anh càng cảm nhận được sự ấm áp về nghĩa tình đồng đội và tình cảm mái ấm gia đình.
Đại úy Nguyễn Hữu Lực sinh năm 1978, quê ở xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; công tác tại Bệnh xá, Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, anh được tăng cường cho Trung đoàn 244, TP Uông Bí, đảm nhận làm Tổ trưởng Tổ Quân y, thực hiện điều trị và theo dõi cho những trường hợp cách ly tại Trung đoàn.
Trong những ngày tháng 8/2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, chấp hành chủ trương của thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh, cùng với 19 cán bộ quân y khác, Đại úy Lực đã viết đơn tình nguyện xung phong lên đường nhận nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam.
Ngày 28/8/2021, anh cùng 2 người đồng đội và đoàn công tác của Quân khu 3 vào tới miền Nam để tăng cường chống dịch. Trong chuyến công tác chưa từng có tiền lệ này, anh được phân công làm việc tại trạm y tế lưu động của phường 11, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, tiếp sau đó là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là những địa bàn đông dân cư, đông nhà trọ và là điểm nóng về Covid-19 lúc ấy. Trong khi đó, lực lượng y tế tại trạm mỏng, vừa phải tư vấn, cấp cứu, theo dõi, điều trị, vừa phải tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong khu dân cư. Vào thời điểm đó, trung bình mỗi ngày, mỗi trạm y tế phải tiếp nhận từ 70 đến 80 bệnh nhân và xử trí cho các bệnh nhân điều trị tại nhà bị trở nặng. Áp lực công việc là thế nhưng không làm anh chùn bước.
Sau 3 tháng nỗ lực, cuối tháng 11/2021, khi tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh cơ bản được khống chế, anh và đồng đội nhận được lệnh trở về đơn vị. Và món quà mà anh mang về từ chuyến công tác đặc biệt ấy chính là sự yêu thương, kính trọng, biết ơn của đồng bào miền Nam, là muôn vàn những lời cảm ơn tận đáy lòng mà anh và các đồng đội được gửi tặng trên mỗi cung đường đã qua.
Giờ đây, khi đã trở về với công việc quen thuộc mỗi ngày tại Bộ CHQS tỉnh, được gặp gỡ với những người đồng đội gắn bó trong chặng đường quân nhân chuyên nghiệp hơn 20 năm qua, trong câu chuyện anh kể, tất cả những thử thách đó luôn nhẹ nhàng như công việc anh đang làm hằng ngày. Khi được hỏi có sợ không, anh chỉ cười hiền và trả lời: “Lúc đấy có sợ cũng đâu có giải quyết được vấn đề”. Song qua ánh mắt của anh, chúng tôi hiểu đó sẽ là những ký ức không thể nào phai.
Chị Nhâm Thị Hạnh, vợ anh Lực hiện đang công tác tại Ban Dân vận Thành ủy Hạ Long đã không giấu nổi niềm tự hào, cho biết: Trong chuyến công tác đặc biệt vừa qua, mỗi ngày chị và hai con trai đều gọi điện vào hỏi thăm anh. Lúc nào anh cũng chỉ nói ậm ờ anh khỏe chứ không thấy kêu than bao giờ. Nhưng chỉ khi được nhìn thấy anh trở về, chị và các con mới thở phào nhẹ nhõm.
20 năm công tác cũng là chừng ấy thời gian anh nỗ lực, phấn đấu. Để rồi thành quả có được chính là những tấm bằng khen được anh treo trang trọng trong phòng khách của gia đình. Đặc biệt, cuối năm 2021 vừa qua, anh vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện "mục tiêu kép" phòng chống dịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
2 năm bước vào cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, hình ảnh của những bác sĩ quân y như Đại úy Nguyễn Hữu Lực đã đọng lại trọn vẹn trong trái tim mỗi người dân với tinh thần “Vì nhân dân quên mình”. Cùng với đội ngũ y, bác sĩ, họ đã viết lên những thanh âm tuyệt đẹp của bài ca ra trận, trở thành tấm gương sáng để đồng đội học tập, noi theo.
Nguyễn Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()