Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:26 (GMT +7)
Tại sao phụ nữ cần bổ sung sắt và acid folic?
Chủ nhật, 12/06/2022 | 15:26:18 [GMT +7] A A
Sắt, acid folic là những vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ nhỏ.
1. Phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng có khả năng bị thiếu máu, thiếu sắt
Theo kết quả điều tra về vi chất toàn quốc năm 2015 cho thấy 32.8% phụ nữ có thai, 25.5% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 27.8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu.
Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em từ 6-24 tháng tuổi (42.7- 45%) và phụ nữ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi là 27.9%.
Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ thấp hơn ở khu vực nông thôn và thành phố với tỷ lệ tương ứng là 26.3% và 20.8%.
Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63.6 % (ở trẻ em < 5 tuổi), 54.3% phụ nữ có thai và 37.7% phụ nữ tuổi sinh đẻ trong các trường hợp thiếu máu.
2. Thiếu sắt ảnh hưởng như thế nào với phụ nữ và trẻ nhỏ?
Sắt có vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Sắt cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển ôxy và CO2 trong quá trình hô hấp, có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não ở trẻ nhỏ.
Ngoài ra, sắt còn giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì sắt tham gia vào thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch, giúp biến đổi betacaroten thành vitamin A, giúp tạo colagen (giúp gắn kết các mô cơ thể). Nếu không được cung cấp đủ sắt, cơ thể sẽ dẫn tới thiếu máu thiếu sắt.
Phụ nữ dễ bị thiếu máu, thiếu sắt hơn nam giới vì có lượng dự trữ sắt thấp do mất máu trong các kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ trong thời kỳ có thai có nhu cầu sắt tăng lên, đặc biệt là ở nửa sau thai kỳ.
Đối với trẻ em, nhu cầu sinh lý cho sự phát triển (trong bào thai, sau khi sinh và tuổi dậy thì) tăng lên là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tình trạng sắt. Lượng sắt ở trẻ sơ sinh cần là 250mg, ở trẻ 1 tuổi khoảng 420mg và ở người trưởng thành khoảng 3.500 mg-4.000 mg.
Thiếu sắt thường nguyên nhân ăn uống thiếu sắt so với nhu cầu khuyến nghị.
3. Thiếu acid folic, ảnh hưởng như thế nào với phụ nữ và trẻ nhỏ?
Bệnh thiếu máu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cả mẹ lẫn con. Người mẹ thiếu máu thường mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi gắng sức. Khi sinh nở có nhiều rủi ro, tỷ lệ tử vong ở những người mẹ thiếu máu cao hơn so với bà mẹ bình thường. Thiếu máu là một yếu tố nguy cơ trong sản khoa.
Đối với thai nhi, thiếu máu thường gây tình trạng đẻ non và tử vong sơ sinh cao. Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh thường do mẹ bị thiếu sắt nên lượng sắt dự trữ của cơ thể trẻ thấp. Khi mang thai tổng lượng sắt cần nhiều hơn 1.000mg hay nhu cầu sắt hàng ngày là 59,2mg sắt nguyên tố (so với 39,2mg/ngày ở phụ nữ không có thai).
Acid folic (hay còn gọi là folat, vitamin B9) rất cần thiết cho sự phát triển, phân chia tế bào và cho sự hình thành tế bào máu. Nhu cầu acid folic trung bình ở người trưởng thành là 400mcg/ngày. Nhu cầu này tăng lên trong thời kỳ mang thai (600mcg/ngày) để đáp ứng cho sự phân chia tế bào cũng như sự tăng kích thước của tử cung.
Acid Folic rất cần cho quá trình tổng hợp nhân tế bào Acid Deoxyribo Nucleic (AND), Acid Ribo Nucleic (ARN) và protein; cho sự hình thành nhau thai; sự tăng trưởng của bào thai.
Do số lượng tế bào hồng cầu gia tăng theo sự gia tăng của khối lượng máu và do tăng thải folate qua nước tiểu trong khi mang thai, nên phụ nữ mang thai thường hay thiếu acid folic. Sự thiếu hụt này sẽ làm thiếu máu hồng cầu; nguy cơ sẩy thai cao; sinh non, sinh con nhẹ cân.
Đặc biệt, việc thiếu acid folic có thể gây khuyết tật ống thần kinh của thai nhi, gây nứt đốt sống và não úng thủy (não có nước). Nứt đốt sống là một khuyết tật, trong đó một bộ phận của một hay nhiều đốt sống không phát triển trọn vẹn, làm cho một đoạn tủy sống bị lộ ra.
Nứt đốt sống có thể xảy ra ở bất cứ đốt sống nào nhưng thường gặp ở dưới thắt lưng và mức độ nghiêm trọng tùy vào số mô thần kinh bị phô bày. Sự hoàn thiện của việc khép ống thần kinh kết thúc vào ngày thứ 28 của thai kỳ. Cho nên, bổ sung acid folic trước khi thụ thai mới có hiệu quả dự phòng khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi.
4. Các giải pháp phòng chống thiếu sắt và acid folic
Ǎn uống hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm là biện pháp phòng chống thiếu vi chất tốt nhất. Để phòng thiếu acid folic và sắt, nên ăn các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn, thịt bò, gan, các loại rau có màu xanh thẫm như hoa lơ xanh, các loại đậu, ngũ cốc. Để tǎng quá trình chuyển hóa và hấp thu sắt, cần tǎng cường vitamin C, nên cần ǎn đủ rau xanh và hoa quả chín.
Phụ nữ dự định mang thai, mang thai và cho con bú nên sử dụng thực phẩm có tăng cường sắt/acid folic để đảm bảo cung cấp đủ lượng sắt và acid folic hàng ngày, kết hợp với các vitamin và khoáng chất khác.
Bổ sung sắt, acid folic bằng đường uống: Trẻ vị thành niên, phụ nữ là đối tượng rất dễ bị thiếu sắt và acid folic và trong một số trường hợp, sự bổ sung hai chất dinh dưỡng này thông qua ăn uống là không đủ, do vậy, cần phải bổ sung bằng việc uống thuốc.
Phụ nữ không mang thai bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên (60mg sắt nguyên tố, 2.800 mcg acid folic) trong thời gian 3 tháng, nghỉ 3 tháng, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Phụ nữ có thai cần uống bổ sung viên sắt/acid folic 1 viên/ngày (60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic) từ khi phát hiện có thai đến sau khi sinh một tháng.
Để tránh tác dụng phụ (như buồn nôn, táo bón...) của viên sắt nên uống sau bữa ăn 1-2 giờ, sắt hấp thu tốt khi trong khẩu phần ăn sử dụng những thực phẩm có nhiều vitamin C. Không uống sắt cùng với chè, cà phê vì chất tanin trong chè, cà phê sẽ giảm hấp thu sắt.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()