Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:48 (GMT +7)
Tại sao khách Việt 'cuồng' đi Trung Quốc?
Thứ 5, 31/10/2024 | 10:57:20 [GMT +7] A A
Theo một số đơn vị lữ hành, lượng khách Việt đến Trung Quốc tăng bất ngờ. Họ dần chuyển hướng đến khu vực Tân Cương, Đạo Thành thay vì Phượng Hoàng cổ trấn như trước đây.
Trong bối cảnh đồng yen suy yếu, việc du lịch Nhật Bản với mức giá phải chăng hiếm có lại chưa đủ sức hút đối với khách Việt. Thậm chí, thị trường này từ đầu năm đến nay đang có dấu hiệu bão hòa, theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel.
Thay vào đó, mảng outbound (đưa khách ra nước ngoài) ở Việt Nam đang hướng mũi tên về thị trường truyền thống khác: Trung Quốc.
Đây là quốc gia gửi khách đông thứ 2 trên tổng lượng khách ngoại đến Việt Nam từ năm 2023 đến nay, theo báo cáo từ Tổng Cục thống kê. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong số thị trường chính tại đại lục.
Lũy kế 9 tháng đầu năm từ phòng kinh doanh Vietravel cho thấy đơn vị đã đưa hơn 45.000 lượt khách Việt đi du lịch tại Trung Quốc, trong đó có hơn 11.000 lượt vào mùa thu.
Công ty lữ hành Vietluxtour cũng ghi nhận mức tăng 25-30% lượng khách Việt đến "công xưởng thế giới" trong 3 quý đầu năm nói chung (so với cùng kỳ) và mùa thu nói riêng.
Trên thực tế, việc người Việt du lịch Trung Quốc không mới, nhưng điều gây bất ngờ cho một số đơn vị lữ hành là du khách hàng sẵn sàng chi mức giá cao hơn, xấp xỉ một tour đi châu Âu, nhằm mua trải nghiệm cao cấp, khác biệt tại quốc gia láng giềng.
Khách Việt sẵn sàng đi xa, dè dặt mua sắmSau 3 năm đóng cửa do Covid-19, từ đầu năm 2023, Trung Quốc nhận được sự quan tâm lớn từ phía khách Việt Nam, trong đó phải kể đến đường tour Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn, Thiên Môn Sơn, Thiên Tử Sơn... Thời điểm đó, mức giá chặng trên loanh quanh 10 triệu đồng/khách.
Năm 2024, khách Việt đến thị trấn thuộc tỉnh Hồ Nam đạt 102.800 người, chỉ riêng trong nửa đầu năm nay điểm đến chứng tỏ sức hút khi đón 42.200 lượt khách Việt Nam.
Song, người dân nước ta ngày càng muốn tìm kiếm sự mới mẻ hơn ở nước bạn. Theo bà Khanh từ Vietravel, hiện có 3 chặng liên tục "hot" với người Việt:
- Bắc Kinh - Thượng Hải - Hàng Châu - Tô Châu: Đây là tuyến tour cổ điển, luôn thu hút du khách nhờ sự kết hợp giữa các di tích lịch sử và cảnh quan hiện đại, với các điểm nổi tiếng như Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành, Bến Thượng Hải…
- Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn: Khách ưa chuộng đường tour này nhờ vẻ đẹp huyền bí của Phượng Hoàng cổ trấn và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ ở Trương Gia Giới - nơi được biết đến với cảnh sắc “như chốn thần tiên”.
- Lệ Giang - Shangri-La: Nhờ khung cảnh lãng mạn của Lệ Giang và vẻ đẹp kỳ bí của Shangri-La, nơi được mệnh danh là “tiểu Tây Tạng”, điểm đến dần trở nên hút khách hơn. Du khách thích khám phá văn hóa địa phương và cảnh quan thanh bình đều rất yêu thích hành trình này.
Bên cạnh đó, một số cung đường mới khám phá Trung Quốc với nhiều trải nghiệm độc đáo hút khách không kém:
- Cửu Trại Câu - Thành Đô: Tour đưa khách đến khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại Câu, nơi nổi tiếng với hồ nước trong xanh như ngọc và thác nước hùng vĩ. Thành Đô được biết đến là quê hương của gấu trúc, cũng là điểm nhấn với những trải nghiệm về văn hóa ẩm thực và công viên gấu trúc lớn nhất thế giới.
- Tây An - Lạc Dương - Đôn Hoàng: Đây là tuyến tour mới với hành trình khám phá Con đường Tơ lụa cổ xưa, qua các thành phố lịch sử như Tây An (nơi có lăng mộ Tần Thủy Hoàng), Lạc Dương với chùa Long Môn và Đôn Hoàng với các động Mạc Cao nổi tiếng.
Chưa dừng lại ở đó, khách Việt không chỉ đến các thành phố nổi tiếng như Thượng Hải, Bắc Kinh hay Trương Gia Giới, mà còn đặc biệt quan tâm đến các điểm đến đắt đỏ và xa xôi như Tân Cương và Tây Tạng với mức giá từ 40 triệu đồng/khách trở lên tùy thuộc vào lịch trình.
Đây là một điểm bất ngờ, cho thấy sự thay đổi trong xu hướng du lịch, thích trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa sâu sắc của khách Việt bởi họ sẵn sàng đầu tư cho những trải nghiệm khác biệt.
Tuy vậy, địa danh du ngoạn được nới rộng, dấu chân người Việt trên đất Trung Quốc ngày càng nhiều, song mức chi tiêu cho dịch vụ mua sắm tại đây vẫn không cao.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Vietluxtour, nhận định xu hướng thương mại điện tử góp phần làm thay đổi hành vi tiêu dùng của du khách tại điểm đến mua sắm trong lịch trình.
"Ngày nay, khách hàng dễ dàng tìm kiếm hoặc mua sắm hàng hoá xuyên biên giới, bởi lẽ đó khi đi du lịch họ chỉ mua sắm hàng hóa với giá trị không quá cao", bà Thu nói.
Hiện đối với tour Trung Quốc, điểm đến mua sắm đa phần là những tụ điểm bán hàng, trung tâm mua sắm lớn, kinh doanh bài bản với người thuyết minh sản phẩm, chào hàng và khuyến mãi, tương tự các điểm shopping ở Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Hong Kong…
Ngoài ra, Trung Quốc còn có thị trường sản phẩm nội địa đa dạng và phong phú, từ đồ thủ công mỹ nghệ, lụa, trà, ngọc trai cho đến hàng điện tử và các thương hiệu thời trang cao cấp. Nhiều sản phẩm nội địa Trung Quốc có chất lượng tốt và giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng như dược phẩm cổ truyền, trà, đồ thủ công và lụa tơ tằm.
Điểm mới hút kháchBên cạnh sự tương đồng về mặt văn hóa Việt - Trung, hiệu ứng truyền thông thổi bùng ngọn lửa du lịch Trung Quốc của người Việt từ năm 2023 đến nay, ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Du Lịch Việt, nhận định
Trong khi đó, bà Khanh từ Vietravel cho rằng có 4 lý do khác dẫn đến việc người Việt chưa thấy nhàm chán đại lục.
Đầu tiên, các chính sách mở cửa và cải thiện thủ tục cấp visa cùng với nhiều chuyến bay thẳng từ Việt Nam, đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Mức độ dồi dào dải vé đi Trung Quốc từ nhiều hãng khác nhau cũng nới rộng sự lựa chọn có lợi cho khách hàng.
Thứ hai, một số điểm đến của Trung Quốc mới nổi lên như sự lựa chọn thay thế cho châu Âu. Đối với các nước ở khu vực EU, quy định xét duyệt visa có phần khắt khe hơn, điều kiện đi lại, yêu cầu tài chính cao hơn, do đó không phải du khách nào cũng đặt chân đến.
Những khách hàng không đáp ứng điều kiện đi châu Âu thường tìm đến các tour cao cấp/tiêu chuẩn ở các quốc gia gần như Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc (nhờ cảnh quan đa dạng, chi phí hợp lý).
Thứ ba, sức hấp dẫn từ các điểm đến mới và sản phẩm du lịch cao cấp.
Cuối cùng, sự đa dạng trong sản phẩm du lịch quốc tế. Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao từ người dân Việt Nam, các đơn vị lữ hành đang đầu tư vào việc xây dựng nhiều gói tour quốc tế từ các chuyến đi ngắn hạn đến dài hạn, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách.
Sự phong phú của các chương trình khuyến mãi, các tour thiết kế riêng cho khách Việt ở thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng giúp du khách có nhiều lựa chọn hơn.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()