Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:28 (GMT +7)
“Tại Mỹ, nhiều điểm đến mức phí tham quan cao hơn Vịnh Hạ Long rất nhiều”
Chủ nhật, 17/07/2022 | 15:19:45 [GMT +7] A A
Lường trước nguy cơ du lịch phát triển ồ ạt gây ảnh hưởng tiêu cực tới Di sản, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế về phát triển du lịch bền vững. Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Celal Kaplan, đến từ Tập đoàn Tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) - đơn vị đang thực hiện dự án Đánh giá sức tải du lịch và phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long về vấn đề này.
- Thưa Giáo sư Celal Kaplan, trong số các giải pháp phát triển bền vững du lịch trên Vịnh Hạ Long, nhóm nghiên cứu của Tập đoàn Kiran có đề xuất tăng giá vé tham quan Vịnh Hạ Long. Xin ông lý giải thêm về đề xuất này? + Như các bạn đã biết, Vịnh Hạ Long là di sản với giá trị ngoại hạng toàn cầu. Du khách từ châu Âu, từ Mỹ sẵn sàng trải qua một hành trình dài để đến đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long. Cho toàn bộ chuyến đi, họ đã trả cả nghìn đô la Mỹ trong khi đó mức phí tham quan Vịnh Hạ Long họ đang trả là 25 đô la Mỹ. Một mức giá mà tôi cho là rất rẻ nếu so với chuẩn quốc tế. Và việc tăng gấp đôi giá vé cũng không phải là vấn đề lớn, ảnh hưởng tới quyết định tham quan của họ. Du khách châu Âu và Mỹ họ quen với mức chi đó. Tại Mỹ, nhiều điểm đến thậm chí có mức giá vào cửa là 100 đô la Mỹ, cao hơn mức phí tham quan Vịnh Hạ Long rất nhiều. |
Chúng tôi cũng đề xuất cần phân vé tham quan Vịnh làm hai loại, một cho khách du lịch quốc tế và một cho khách du lịch nội địa. Vì chúng ta không muốn áp một mức giá chung cao hơn, có thể khiến du khách Việt Nam khó tiếp cận với du lịch di sản. Dĩ nhiên theo luật hiện hành của Việt Nam, điều này là không thể nhưng tôi tin đây sẽ là giải pháp vì những du khách nước ngoài khi đến Hạ Long cần phải chi trả mức cao hơn. Còn về phía Việt Nam, các bạn đã đầu tư rất nhiều cho di sản và các bạn nên được hưởng lợi ích từ quá trình đầu tư đó.
- Ngoài giá vé tham quan, theo ông, để phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long cần triển khai các giải pháp gì?
+ Có rất nhiều giải pháp chúng tôi đã đề xuất trong báo cáo Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, xác định sức tải khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long phục vụ quản lý và phát triển du lịch bền vững” nhưng quan trọng nhất vẫn là những thay đổi về chính sách. Chẳng hạn như việc hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong quản lý Vịnh Hạ Long cần phải mang tính tập trung hơn. Hiện nay rất nhiều bên đang tham gia vào công tác quản lý Vịnh Hạ Long và mỗi bên lại có một ưu tiên riêng. Như vậy sẽ rất khó để tìm kiếm một giải pháp thực thi tối ưu. Khi quản lý tập trung hơn thì tất cả các bên sẽ cùng có lợi. Dĩ nhiên, đi cùng với đó sẽ là những thay đổi về mặt pháp luật.
Giải pháp thứ hai đó là về mặt công nghệ. Cần phải đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng quản lý tích hợp trực tuyến để có thể tính toán được lượng khách đến các cảnh điểm vào các khoảng thời gian trong ngày, hệ thống camera giám sát hành vi của du khách…
Đó là các giải pháp dài hạn còn trong ngắn hạn, trước mắt cần phải cân bằng được số khách tới các cảnh điểm trong cả ngày và trong những khoảng thời gian khác nhau. Lấy ví dụ, nếu các bạn có 1.900 khách tham quan động Thiên Cung trong 1 giờ thì những tác động trong một giờ đó sẽ là rất lớn, có thể tàn phá, hủy hoại các giá trị của động Thiên Cung. Mặt khác, với lượng khách lớn tập trung trong một giờ như thế thì trải nghiệm của du khách cũng sẽ rất tồi tệ. Sau đó với những giờ còn lại trong ngày dù lượng khách có ít hơn thì cũng không còn tác dụng trong việc bảo tồn nữa. Vì vậy, cần phải điều phối được lượng khách qua các cảnh điểm một cách cân bằng và “nhẹ nhàng”, dựa trên khả năng tiếp nhận và sức tải của cảnh điểm.
Để điều phối và sắp xếp được, chúng ta cần đặt ra những khung giờ tham quan và những thay đổi về mặt chính sách giới hạn số người tham quan ở từng địa điểm trong một khoảng thời gian nhất định. Việc bảo tồn phải được thực hiện trên mỗi tàu tham quan. Các tàu sẽ chỉ được đến một cảnh điểm vào một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta cũng điều phối giờ đi của các tàu ngắm cảnh.
Chúng tôi cũng đề xuất cần tập trung “nâng cao hiểu biết” cho du khách về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản thông qua việc trình chiếu các video mang tính giáo dục, tổ chức các hoạt động giáo dục di sản, thông tin đến du khách về tầm quan trọng của Vịnh Hạ Long, một di sản thiên nhiên thế giới cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi du khách trong câu chuyện bảo vệ di sản.
Chúng ta cũng cần thu thập “phản hồi” từ du khách sau mỗi chuyến hành trình liên quan tới trải nghiệm của họ tại các cảnh điểm… Tất cả những thông số đó sẽ cung cấp cho chúng ta thông tin để đánh giá xem “Điểm đến có đang ở trạng thái tốt, trạng thái bền vững hay không?”. Hầu hết các điểm đến trên Vịnh Hạ Long đã rất nổi tiếng và ngày càng đông khách tham quan. Và chúng ta không biết được du khách đang nghĩ gì và liệu sự yêu thích của họ với Vịnh Hạ Long có đang giảm sút? Điều mà không ai muốn. Vì vậy, rất quan trọng để biết được chuyện gì đang diễn ra để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp.
Chúng tôi đã đưa ra khuyến nghị với nhiều điểm tham quan nổi tiếng trên thế giới nhưng tôi nghĩ nghiên cứu và đề xuất liên quan tới Vịnh Hạ Long là một trong những khuyến nghị quan trọng nhất của chúng tôi.
- Ông có nói đến giải pháp “win-win” tức là tất cả các bên cùng thắng, cùng có lợi, nhưng trong câu chuyện của Vịnh Hạ Long, nếu chúng ta giới hạn lượng khách tham quan thì liệu lợi ích kinh tế có bị ảnh hưởng hay không?
+ Chúng ta đã nói về quản lý mang tính tập trung hơn. Các bên liên quan sẽ cảm thấy không thoải mái khi phải từ bỏ quyền chi phối của mình. Họ sẽ phải làm theo lệnh của người khác. Tuy nhiên, câu chuyện không phải là như vậy. Lấy ví dụ như với việc ấn định thời gian cho khách vào tham quan. Chúng ta sẽ không để cho hơn 1.900 khách cùng đi vào một cảnh điểm một lúc mà sắp xếp, điều phối để họ chia đều tham quan các cảnh điểm, như vậy thì tổng lượng khách tham quan trên Vịnh Hạ Long sẽ tăng cao hơn so với hiện tại mà vẫn trong mức chịu tải của điểm đến.
Bằng cách điều phối, Vịnh Hạ Long có thể đón được nhiều khách hơn. Và như vậy thì tất cả các bên đều hài lòng từ điều hành tour, tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đến Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Đó là chuyện “win-win” (tất cả cùng thắng) với các bên. Nó cũng mang lại cái “lợi” lớn với du khách, vì với sự điều phối tốt, du khách sẽ được đảm bảo về trải nghiệm tại mỗi điểm tham quan. Việc điều phối chính là cách các bạn cam kết với du khách về chất lượng trải nghiệm. Và dĩ nhiên sự điều phối này cũng mang lại lợi ích cho phát triển bền vững. Khi bạn có thể điều phối, quản lý được lượng khách tham quan và định hướng cho hành vi của du khách bên trong hang động thì chắc chắn các hang động sẽ được bảo tồn và phát triển theo hướng bền vững, gìn giữ cho thế hệ mai sau. Đó chính là cốt lõi trong quan điểm “Các bên cùng thắng”!
- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()