Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:41 (GMT +7)
Tái diễn nhiều cây xăng treo biển 'hết hàng': Càng bán càng lỗ
Thứ 4, 02/11/2022 | 09:52:59 [GMT +7] A A
Lãnh đạo các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối dự báo việc mua xăng dầu từ nước ngoài giai đoạn tới sẽ rất khó khăn, đặc biệt là dầu, do châu Âu đang gia tăng nhập dầu. Với các khách hàng lớn này, quyền mua sẽ được ưu tiên hơn trong khi các loại chi phí cao, tỉ giá biến động mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp xăng dầu trong nước lao đao vì càng nhập càng lỗ nếu kéo dài tình trạng hiện nay.
Thực tế, cách Bộ Công Thương và Tài chính xử lý các vấn đề của doanh nghiệp chậm khiến doanh nghiệp bán lẻ mất vốn, có nguy cơ phá sản hàng loạt. Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 1/11, đại diện một số doanh nghiệp xác nhận, tình trạng cây xăng tư nhân ở các quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai (Hà Nội) và một số khu vực vùng ven ngoại thành thông báo “hết xăng, còn dầu” xuất hiện ngày càng nhiều trong những ngày qua.
Hệ thống cây xăng bán lẻ của Công ty TNHH Thái Minh Petro, Công ty Cổ phần xăng dầu HFC ở nhiều tuyến phố đã tạm dừng bán với lý do hết hàng. Từ 16h ngày 1/11, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của HFC ở đường Nguyễn Đình Chiểu đặt biển “tạm dừng phục vụ” vì không còn hàng. Cây xăng của doanh nghiệp này ở đường Võ Thị Sáu cũng trong cảnh “không phục vụ” trong khi cây xăng trên tuyến phố Trần Khát Chân hết xăng RON 95 chỉ bán xăng E5 RON92.
Dù được điều chỉnh giá bán từ 15h ngày 1/11 nhưng tình trạng cây xăng dừng bán cũng được các doanh nghiệp bán lẻ ở nhiều địa phương phía Bắc, miền Trung xác nhận. Doanh nghiệp bán lẻ lý giải họ không nhập được hàng. Tại một số địa phương như Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, doanh nghiệp đầu mối rất khó nhập hàng.
*Theo đại diện Bộ Công Thương, trong kỳ điều hành ngày 1/11, ngoài tác động của sự biến động giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước còn tiếp tục chịu cả tác động của tỷ giá liên tục tăng. *“Lúc này rất khó dự báo tình hình sắp tới sẽ ra sao. Chỉ trong một quý vừa qua, chúng tôi đã lỗ hơn 300 tỷ đồng. Giờ muốn nhập hàng cũng rất khó. Càng nhập về, doanh nghiệp càng nhanh “chết” hơn”, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho hay. |
“Các doanh nghiệp bán lẻ không được thiếu nợ, phải thanh toán ngay mới được nhập hàng. Không ít doanh nghiệp tìm mọi cách đảo nợ, bán tài sản để nhập hàng nhưng cũng chỉ được mua rất hạn chế từ doanh nghiệp đầu mối”, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho hay.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn (đề nghị không nêu tên) cho biết, việc Bộ Công Thương phân giao hạn mức thêm cho một số doanh nghiệp đầu mối đang tạo ra gánh nặng lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu liên tục bị thua lỗ nhiều tháng qua.
Theo vị này, những biến động tỉ giá thời gian gần đây, cộng với những chi phí chưa được tính đủ cho doanh nghiệp xăng dầu đang bào mòn nguồn vốn của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành.
Với những doanh nghiệp đầu mối mới cấp phép vài năm trở lại đây và các thương nhân phân phối, tình trạng mất vốn rất đáng quan tâm và cần sớm có giải pháp tháo gỡ triệt để, nhằm tránh các hệ luỵ với thị trường.
“Về nguyên tắc, khi cơ quan quản lý đã phân giao, doanh nghiệp nhà nước sẽ gắng thực hiện đảm bảo. Nhưng với các doanh nghiệp tư nhân, nếu không được tháo gỡ các vướng mắc, việc thực hiện rất khó đảm bảo. Với tình hình này, nguồn cung xăng dầu sẽ thiếu từ nay đến hết quý I năm sau”, vị này cho hay.
Doanh nghiệp đầu mối khóc ròng vì lỗ
Chia sẻ với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khẳng định, tranh cãi của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thời gian qua cho thấy việc quản lý thị trường xăng dầu đang rất có vấn đề.
Cũng theo vị này, Bộ Tài chính nói đã điều chỉnh các chi phí cho doanh nghiệp nhưng thực tế là cơ quan này chưa làm hết trách nhiệm khi để đến sau 10 tháng mới có lần điều chỉnh mức premium (chi phí phải trả) trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (lần 1 vào ngày 10/1/2022 và lần 2 vào ngày 7/10/2022).
“Cả hai bộ cứ tranh cãi nhưng người dân và doanh nghiệp đều thấy vấn đề quan trọng nhất là việc điều hành, điều chỉnh các chi phí định mức, các khoản phụ phí không được cập nhật kịp thời trong bối cảnh thị trường liên tục biến động. Như vậy là không sòng phẳng với cả người dân và doanh nghiệp”, vị này phân tích.
Cũng theo vị này, với cách điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính như hiện nay, tình hình thiếu nguồn cung sẽ ngày càng khó gỡ khi các doanh nghiệp kiệt quệ nguồn lực để nhập hàng. Với các doanh nghiệp xăng dầu lúc này, cần nhất là Bộ Tài chính phải sớm ngồi lại với Bộ Công Thương để cả hai cùng nhìn vấn đề, cập nhật tức thời các khoản chi phí chưa được tính đúng, tính đủ trong giá xăng dầu hiện nay.
“Đến giờ câu chuyện không chỉ là chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ nữa. Để doanh nghiệp lỗ đến mức cạn vốn thì còn động lực nào để kinh doanh? Nếu để các cửa hàng bán lẻ của đầu mối tư nhân đóng cửa hàng loạt thì khách hàng sẽ dồn cây xăng của các doanh nghiệp Nhà nước. Dù các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cung ứng xăng dầu chiếm tới 70% lượng tiêu thụ trên thị trường nhưng kinh doanh vẫn lỗ kéo dài. Như thế, dù vốn Nhà nước có nhiều đến mấy cũng khó có thể trụ được…”, vị này phân tích.
Hàng loạt chi phí chưa được tính trong giá xăng dầu?
Petrolimex vừa có văn bản gửi Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đề xuất loạt vấn đề liên quan đến các khoản chi phí tăng bất thường trong giá xăng dầu.
Theo Petrolimex, chi phí định mức tính trong giá cơ sở đối với mỗi lít xăng RON 95 hiện ở mức 1.050 đồng/lít, xăng E5 RON92 là 1.250 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít, dầu mazut là 544 đồng/lít. Thế nhưng thực tế, chi phí với mỗi lít xăng của doanh nghiệp đang ở ngưỡng 1.310 đồng/lít với xăng RON 95 và 1.434 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 1.290 đồng/lít với dầu diesel. Chi phí với dầu mazut là 577 đồng/kg. Chi phí tăng cao bất thường so với mức tính hiện hành của các cơ quan quản lý, khiến doanh nghiệp bị lỗ rất lớn.
“Mức chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân đã được kiểm toán từ 184 đến 598 đồng/lít, tương ứng khoảng 13 - 39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu và 33 đồng/lít, tương ứng 6% đối với giá bán buôn madut”, ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Petrolimex, trong 9 tháng qua, chi phí kinh doanh của tập đoàn tăng 649 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí vận chuyển tăng 343 tỷ đồng, chi phí dịch vụ mua ngoài tăng 32 tỷ đồng. Chi phí vốn của tập đoàn tăng 2 lần làm tăng chi phí lãi vay khoảng 60 - 65 tỷ đồng/quý”.
Theo báo cáo của Petrolimex, từ 1/6/2022 đến 10/10/2022, chi phí premium nhập khẩu, so sánh với định mức hiện hành áp dụng trong giá cơ sở thì chi phí với xăng nền (xăng khoáng để pha chế xăng E5 RON92) đang chênh lệch 622 đồng/lít. Mức chênh lệch với xăng RON 95 là 551 đồng/lít còn các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 279-681 đồng/lít, kg. Chi phí premium trong nước cũng đang cao hơn so với định mức là từ 70 đến120 đồng/lít các loại mặt hàng. Cùng với đó, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về các cảng đang chênh lệch từ 36 đến 60 đồng/lít.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()