Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:33 (GMT +7)
Tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững
Thứ 5, 29/02/2024 | 14:12:09 [GMT +7] A A
Thời gian qua, ngành NN&PTNT Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, gia tăng giá trị, đặc biệt đối với các lĩnh vực của ngành có dư địa phát triển, qua đó gặt hái thêm nhiều kết quả tích cực.
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành NN&PTNT giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung cho sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững nhằm mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, trở thành trụ cột trong cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh, từ đó tăng thu nhập của nông dân, đóng góp vào mục tiêu chung phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đồng bộ với tăng trưởng xanh phát triển đô thị và công nghiệp dịch vụ hiện đại của tỉnh.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng (GRDP) khu vực I tăng 4,43%, duy trì 5 năm liên tiếp tăng trên 4% (cao hơn mặt bằng chung của cả nước), đóng góp 0,2 điểm % tăng trưởng GRDP. Để có được kết quả này, Sở NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản, đẩy mạnh phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản, tạo đột phá về quy mô, năng suất, hiệu quả các loài thủy sản đặc hữu gắn với việc cấp mã vùng chuẩn hóa để tiêu thụ trên thị trường trong nước, xuất khẩu.
Sở và các địa phương tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển; khắc phục các tồn tại trong công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Toàn tỉnh đã chuyển đổi phao xốp trong NTTS sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường đạt 97,8%. Cơ cấu lại đội tàu khai thác, toàn tỉnh hiện có 5.677 tàu (giảm 295 tàu); không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt 175.324 tấn, tăng 3,7% so năm 2022.
Công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng. Trồng rừng tập trung ước đạt 14.836ha, trong đó đã trồng được 1.078,3ha lim, giổi, lát.
Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cơ sở tiêu chuẩn VietGAP được duy trì, kiểm soát về ATTP với 1.095ha đất trồng trọt; 45ha đất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; 94ha lúa chất lượng cao Japonica và ST25; có 9 cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng được cấp mã số; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 59 loại nông sản an toàn được xác nhận. Duy trì quy mô đàn gia súc, gia cầm, đàn lợn; tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, giảm so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 726 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành; có 524 HTX nông nghiệp, tổng hợp.
Trong năm 2023 đã đầu tư 12 công trình cấp nước tập trung, nâng tổng số công trình trên địa bàn tỉnh có 274 công trình. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,96% (trong đó tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước tập trung 61,94%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT đạt 86,37%). Các mô hình khuyến nông, khuyến ngư triển khai đạt hiệu quả tốt, phù hợp với xu hướng sản xuất, mở rộng xây dựng dự án tạo đà cho phát triển vùng sản xuất lớn.
Bên cạnh đó, các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đặt ra trong Nghị quyết số 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh đã cơ bản hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Năm 2023, toàn tỉnh có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 3 xã so với kế hoạch); có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 3 xã so với kế hoạch); 2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100%). Các địa phương cấp huyện, xã đã tập trung triển khai nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới và hướng tới đảm bảo tính bền vững của chương trình.
Có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng bền vững; 58/98 xã (chiếm 57,1%) hoàn thành các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 28/98 xã (chiếm 28,57%) hoàn thành các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 2 mô hình xã nông thôn mới thông minh; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 4/7 huyện (đạt 57%) cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Khắc phục những khó khăn, thách thức, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành duy trì ổn định khoảng 3-5%, riêng năm 2024 phấn đấu tăng 4,56%; kiên định với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()