Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 11:03 (GMT +7)
Tác hại của thuốc lá đến sức khỏe
Thứ 3, 19/05/2020 | 09:51:12 [GMT +7] A A
Mặc dù các cơ quan y tế liên tục cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn chủ quan với tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh trao đổi cùng bác sĩ Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh để giúp bạn đọc hiểu hơn về sức tàn phá của thuốc lá đối với cơ thể.
Cấp cứu bệnh suy hô hấp do viêm phổi nặng tai Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Hà Trang. |
- Xin bác sĩ cho biết, sự độc hại có trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hiện nay?
+ Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trong 1 điếu thuốc chứa 1-3mg chất Nicotine. Đây chính là chất gây nghiện. Nó có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim, lưu lượng máu đến tim và thu hẹp động mạch. Nicotine cũng có thể góp phần làm xơ cứng thành động mạch, từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim. Hóa chất này có thể tồn tại trong cơ thể từ 6-8 giờ tùy thuộc vào tần suất hút thuốc lá. Còn chất Carbon Monoxide trong thuốc lá sẽ chiếm chỗ của khí oxy khi kết hợp với hồng huyết cầu trong máu, làm cho cơ thể bị thiếu dưỡng khí. Chỉ với lượng rất nhỏ nhưng liên tục tác dụng trong thời gian lâu, khí này cũng đưa tới bệnh tim mạch.
Không chỉ có Nicotine, khói thuốc lá chứa trên 7.000 chất khác nhau, trong đó có 69 chất gây ung thư, ngoài ra còn có các hoạt chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gen... Tiêu biểu như chất Butadiene có trong thuốc lá có thể gây ung thư máu; một số hợp chất Arsenic liên quan đến ung thư phổi, gan, da và bàng quang; Benzene có thể gây ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu ở người; Cadmium và hợp chất Cadmium có thể gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư thận và tuyến tiền liệt...
Một số hoạt chất của khói thuốc lá tác động trực tiếp trên niêm mạc còn phần lớn còn lại được hấp thu vào máu hay hòa tan vào nước bọt rồi được nuốt vào. So với luồng khói chính, luồng khói phụ chứa chất gây ung thư nhiều hơn. Hai phần ba số khói từ đầu điếu thuốc đang cháy (luồng khói phụ) sẽ lan tỏa ra môi trường chứ không vào phổi người hút và gây ra bệnh cho người xung quanh (còn gọi là hút thuốc lá thụ động).
- Vậy hút thuốc lá thường gây ra những bệnh gì, thưa bác sĩ?
+ Tác hại rõ nhất của thuốc lá là có thể gây ung thư ở hầu như khắp mọi nơi trong cơ thể, như: Phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, họng, gan, tụy, dạ dày...
Hút thuốc cũng gây ra các bệnh về tim, đột quỵ do sự tắc nghẽn dòng máu trong não. Người hút thuốc còn có nguy cơ cao mắc các bệnh về phổi, cảm cúm, khó thở, các bệnh về lợi, loãng xương, khó thụ thai, đục thủy tinh thể, bệnh tiểu đường... Nếu bạn có bệnh hen suyễn, hút thuốc lá có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.Thực tế trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng, rất nhiều trường hợp mắc các bệnh về phổi liên quan đến hút thuốc lá.
Chuẩn bị chụp X quang cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Đặc biệt, trong quá trình mang thai, nếu hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi, như: Trẻ sơ sinh có thể không đạt cân nặng theo chuẩn do khói thuốc làm chậm sự phát triển của bào thai trước khi sinh; trẻ có thể bị sinh non. Hút thuốc có thể gây tổn hại tới sự phát triển phổi và não của bào thai, tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Thậm chí, bào thai, trẻ sơ sinh còn có thể bị đột tử khi tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Hiện nay trong ngành y trên địa bàn tỉnh có đơn vị nào hỗ trợ việc cai thuốc lá cho bệnh nhân không, thưa bác sĩ?
+ Người hút thuốc không bỏ được là vì hai lý do chủ yếu: Thiếu nicotin và yếu tố tâm lý. Nicotin (trong thuốc lá) khi mới dùng sẽ gây hưng phấn (đỡ mệt mỏi, buồn ngủ); bởi vậy, khi bỏ thuốc lá, người hút sẽ ít có trạng thái hưng phấn nên muốn hút lại để tìm cảm giác này. Về tâm lý, nhiều người, nhất là trẻ vị thành niên, thanh niên có tâm lý hút để vui, tỏ ra sành điệu, tự tin...
Do đó, để cai được thuốc lá, mọi người cần có sự quyết tâm; đồng thời cần uống nhiều nước để giúp thải loại nicotine nhanh hơn. Khi thèm thuốc cần tự gây xao lãng bằng cách mở ti vi, gọi điện thoại, làm việc nhà, đi chơi... Cũng có thể đi đánh răng, ăn thứ gì đó khi thấy thèm thuốc lá hoặc có thể tập hít thở sâu, tập các bài thể dục... Hiện nay, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh chưa triển khai chương trình cai thuốc lá cho bệnh nhân mà phụ thuộc vào quyết tâm của người hút.
- Xin cám ơn bác sĩ!
Thu Nguyệt (thực hiện)
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()