Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 20/01/2025 18:24 (GMT +7)
Tác động với thị trường thế giới khi Mỹ xả kho 180 triệu thùng dầu
Thứ 5, 31/03/2022 | 22:24:05 [GMT +7] A A
Giá dầu đã giảm hơn 5 USD/thùng chỉ trong vài phút, sau khi có thông tin cho rằng Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc giải phóng khoảng 1 triệu thùng/ngày khỏi kho dự trữ chiến lược trong vài tháng.
Hãng Bloomberg dẫn các nguồn tin thân cận cho hay Mỹ có thể xả 180 triệu thùng dầu trong kho của Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Thông báo chính thức có thể được đưa ra vào ngày 1/4. Nếu được triển khai, đây sẽ là lần thứ ba nước Mỹ sử dụng nguồn dự trữ chiến lược trong vòng 6 tháng qua và sẽ là lần xả kho lớn nhất trong lịch sử 50 năm của SPR. Động thái này cũng có thể thúc đẩy các quốc gia đồng minh cùng tham gia vào nỗ lực do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) điều phối.
Nhà phân tích Damien Courvalin của Goldman Sachs cho rằng việc giải phóng kho dự trữ sẽ giúp tái cân bằng thị trường dầu mỏ trong năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ không giải quyết được vấn đề thâm hụt cơ cấu đối với thị trường toàn cầu. Ông nhận định đợt xả kho này sẽ giúp bình ổn giá dầu, nhưng đây không phải là nguồn cung liên tục trong những năm tới.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty môi giới đầu tư Oanda Asia Pacific Pte, bình luận rằng động thái này sẽ giúp ổn định giá dầu trong ngắn hạn. Song điều đó không thể bù đắp những thiệt hại đối với xuất khẩu dầu của Nga. Hơn nữa, về lâu dài, việc Mỹ xả kho dự trữ có nghĩa là kho dầu SPR sẽ giảm đáng kể, trong khi đó nhu cầu thường tăng cao trong mùa hè. Điều đó có khả năng khiến giá dầu lại tăng lên.
Công ty RBC Capital Markets cho biết do Chính quyền của Tổng thống Biden có quan điểm rất cứng rắn đối với Moskva, nên việc xả kho SPR được coi là công cụ để giảm bớt tác động đối với người tiêu dùng Mỹ. Trong khi đó, Nga sẽ phải hững chịu nhiều tổn thất kéo dài vì nước này có thể vẫn là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới trong tương lai gần. Ông Victor Shum, Phó chủ tịch tư vấn tại S&P Global, cũng có quan điểm tương tự. Ông nhấn mạnh động thái xả kho dự trữ lần này của Mỹ có thể đe doạ sản lượng xuất khẩu dầu lên tới 7,5 triệu thùng/ngày của Moskva.
Nhà phân tích năng lượng Suvro Sarkar tại Ngân hàng DBS (Singapore), cho rằng các đợt xả kho trước đây không giúp ích gì cho thị trường, tuy nhiên quy mô của đợt xả kho mới nhất này có thể gây tác động lâu dài hơn đến giá dầu toàn cầu. Song tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào cách thức xả kho, thông qua bán lẻ trực tiếp hay cho vay.
Warren Patterson, Trưởng phòng Chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV, có trụ sở tại Singapore, cho biết đợt xả kho này sẽ phần nào giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung. Ông cho biết mặc dù sẽ đưa khối lượng Dự trữ Dầu chiến lược của quốc gia xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1980, nhưng Mỹ có thể sẽ kêu gọi các quốc gia khác phối hợp hành động. Động thái này sẽ có ý nghĩa hơn đến thị trường.
Theo bà Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights, thị trường thực sự cần hạ nhiệt giá dầu khi nguồn cung gia tăng liên tục. Bà cho biết rằng điều quan trọng, Mỹ là nhà sản xuất có khả năng hành động vì nước này có đủ SPR thặng dư và có sẵn cơ sở hạ tầng để cung cấp 1 triệu thùng dầu/ngày cho các nhà máy lọc dầu trong thời gian ngắn.
Theo Bộ Năng lượng, Mỹ hiện nắm giữ khoảng 570 triệu thùng trong kho dự trữ - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002. Việc giải phóng 180 triệu thùng có nghĩa là kho dầu của Mỹ sẽ giảm hơn 30%. Mặc dù có thể giảm giá nhiên liệu trong ngắn hạn, nhưng điều này có thể khiến nhu cầu tăng lên trong dài hạn khi Mỹ cần nạp thêm lượng dầu dự trữ. Mỹ được IEA coi là nước xuất khẩu dầu ròng. Nhưng tình trạng đó có thể thay đổi thành nhà nhập khẩu ròng trong năm nay do sản lượng phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()