Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:02 (GMT +7)
Tác động của giảm thuế xăng dầu đến tăng trưởng kinh tế
Thứ 3, 15/03/2022 | 09:09:04 [GMT +7] A A
Mới đây, Bộ Tài chính đã xin ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường của các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn.
Theo đó Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.
Để có thêm đánh giá tác động của dự thảo này tới tăng trưởng kinh tế và lạm phát, phóng viên TTXVN trích dẫn bài viết của TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu – Phó trưởng khoa Tài chính Ngân hàng thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cơ cấu giá xăng dầu và ước tính ảnh hưởng
Trong Nghị quyết 01-NQ/CP (Nghị quyết 01) về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) bình quân khoảng 4%. Nghị quyết 01 của Chính phủ ban hành ngay đầu năm 2022 nên được soạn thảo dựa trên các yếu tố đầu vào của nền kinh tế vào thời điểm cuối năm 2021, với giả định rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong điều kiện thích ứng linh hoạt, chuyển trạng thái bình thường mới với dịch bệnh COVID-19 cùng với độ tiêm phủ vắc xin đã đạt mức cao.
Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt và tính từ ngày 25/12/2021 đến lần tăng giá gần nhất (11/3/2022), làm cho giá xăng hơn 6.500 đồng/lít. Cụ thể tính đến lần tăng giá ngày 11/3/2022 giá xăng RON 95 lên mức 29.824 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 lên đến 28.985 đồng. Nếu lấy mốc là thời điểm cuối năm 2021, khi có Nghị quyết 01 thì tới thời điểm hiện tại giá xăng lên mức gần 30.000 đồng, tăng 25%. Còn nếu so với giữa tháng 3/2021 thì xăng dự kiến hiện nay tăng khoảng 67%.
Mức tăng giá dự kiến hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tính toán ban đầu khi dự thảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Nghị quyết 01-NQ/CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng thêm, tác động tiêu cực đến giá bán xăng dầu trong nước. Do đó, việc cân nhắc giảm các loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu là rất cần thiết để bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022.
Hiện nay mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng.) Như vậy, ước tính, bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng từ 42 - 43% đối với xăng và 21-27% đối với dầu.
Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% thì chỉ số CPI tăng khoảng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng giảm khoảng 0,5%. Tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế thì chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52%, và gas khoảng 1,45%. Điều này phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới nền kinh tế.
Tác động của đề xuất giảm thuế
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trên (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Như phân tích trên, từ cuối năm 2021 tới tháng 3/2022, dầu Brent tăng 38% (từ 80 - 112 USD) khiến giá xăng tăng từ đầu năm trung bình khoảng 20% so với trung bình năm 2021. Tính đến ngày 7/3 giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng tới 10,31% lên 130,2 USD/thùng. Do vậy, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tính toán rằng đóng góp của tăng giá xăng từ đầu năm 2022 đến chỉ số CPI chung là khoảng 0,8% so với cuối năm 2021, nếu so với đầu năm 2021, thì sẽ làm CPI chung tăng khoảng 1.6%. Con số này khá tương đồng với báo cáo của TCTTk đưa ra. Theo nhiều dự báo thế giới, giá dầu Brent đến cuối năm 2022 có thể tăng lên đến 150 USD (mức tăng trung bình 45% trong năm 2022) kéo theo giá xăng trong nước cũng sẽ tăng khoảng 40% trung bình năm 2022 và vì thế sẽ có thể tác động làm CPI tăng 1,6% so với cuối năm 2021.
Với những tính toán của VEPR, nếu theo đề xuất ban đầu của Bộ Tài chính là giảm 1.000 đồng/lít từ thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng (so với mức giá xăng tăng từ đầu năm là khoảng hơn 3.500 đồng), thì chỉ có thể làm giảm 0,15 điểm phần trăm và do vậy tác động của giá xăng hiện tại lên CPI vẫn cao là khoảng 0,65 điểm phần trăm.
Mới đây, ngày 10/03/2022, Bộ Tài chính lại đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, mức cao nhất là 2.000 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, trong phiên điều chỉnh giá xăng ngày 11/03/2022, giá xăng tăng thêm gần 3.000 đồng lên mức 29.824 đồng/lít. Các chuyên gia VEPR tính toán với 2 kịch bản như sau: Kịch bản thứ 1, so với tháng 11/2021, giá xăng tăng 25%, khiến cho CPI tăng lên khoảng 0,9 điểm phần trăm, mà theo đề xuất giảm thuế môi trường 2.000 đồng với xăng thì sẽ kéo giảm CPI 0,3 điểm phần trăm, khiến tác động của tăng giá xăng lên CPI ở mức 0,6%. Kịch bản thứ 2 so với cùng kì năm ngoái (giữa tháng 3/2021) thì giá xăng đã tăng lên 67%, khiến CPI tăng là 2,4%. Nếu giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, thì CPI sẽ kéo giảm 0,4 điểm phần trăm, khiến tác động của tăng giá xăng lên CPI ở mức 2%.
Nhưng nếu như dự báo về mức giá xăng dầu thế giới còn tiếp tục tăng như phân tích ở trên, thì tỷ lệ ảnh hưởng của việc giảm 1.000 hay 2.000 đồng trên mỗi lít xăng càng ít ý nghĩa với tác động giá xăng trung bình của năm 2022 lên CPI. Cho nên việc đề xuất giảm thuế như vậy trong tình hình hiện nay cũng không tác động quá nhiều tới việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Nhiều quan điểm cho rằng, việc giảm quá nhiều thuế/phí xăng dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế là nguồn thu từ dầu thô từ đầu năm cho đến nay tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ (do giá xuất khẩu dầu thô tăng). Do vậy, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu. Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng lại là nước xuất khẩu dầu thô nên khá trung lập về nguồn thu. Thực tế trong 2 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, nguồn thu ngân sách vẫn tăng mạnh và vượt do với dự toán đề ra.
Với mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, VEPR đề xuất bên cạnh việc giảm cố định 2.000 đồng từ thuế bảo vệ mội trường thì Bộ Tài chính nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu và/hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31/12/2022. Lý do quan trọng là so với việc giảm một mức cố định, việc giảm/miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành sẽ đảm bảo tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn so với mức giảm cố định mà Bộ Tài chính đang đề xuất.
Theo baotintuc.vn
- Kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu; không để xăng dầu thẩm lậu qua biên giới
- Xử lý nghiêm các trường hợp 'ăn theo' giá xăng dầu để trục lợi
- Biện pháp các nước bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trước cú sốc về giá
- Thông qua dự án Nghị quyết trình UBTVQH về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu
Liên kết website
Ý kiến ()