Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:31 (GMT +7)
Sụt cân theo kiểu này có thể là dấu hiệu ung thư
Chủ nhật, 21/05/2023 | 15:39:32 [GMT +7] A A
Nếu bị sụt cân không chủ đich ít nhất 5% trọng lượng cơ thể trong nửa năm kèm theo một số triệu chứng, bạn cần đi khám ngay, đó có thể là dấu hiệu của ung thư hoặc bệnh lý nguy hiểm.
Sụt cân bất thường là tình trạng trọng lượng cơ thể giảm ít nhất 5% so với tổng cân nặng trong 6 - 12 tháng mà không do thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục, không bao gồm sụt cân do một bệnh lý đã biết hay do tác động của điều trị.
Nguyên nhân sụt cân do sự thay đổi môi trường sống hoặc căng thẳng quá mức thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sụt cân có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý cần được thăm khám ngay.
Các bệnh lý như ung thư (chiếm 15 - 37%), rối loạn tiêu hóa (10 - 20%) và các rối loạn tâm thần (10 - 23%) là nguyên nhân phổ biến gây sụt cân. Ngoài ra, khoảng 25% trường hợp sụt cân không rõ nguyên nhân.
Một số bệnh lý điển hình có thể là nguyên nhân chính gây sụt cân nhanh và bất thường như ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng, tá tràng, phổi, lymphoma, thận, tiền liệt tuyến; Các bệnh lý tiêu hóa lành tính như loét dạ dày - tá tràng, celiac, viêm ruột; Rối loạn tâm thần (trầm cảm, rối loạn liên quan ăn uống); Bệnh cường giáp, đái tháo đường, suy thượng thận.
Thuốc và các sản phẩm thảo dược cũng có thể gây sụt cân bất thường.
Các triệu chứng kèm theo sụt cân thay đổi tùy nguyên nhân và tình trạng bệnh, bao gồm:
- Mệt mỏi: Gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như suy thượng thận, ung thư, thận mạn tính, trầm cảm, nhiễm trùng, hội chứng thận hư, bệnh u hạt...
- Sốt, ra mồ hôi trộm về đêm: Ung thư, nhiễm trùng, viêm động mạch tế bào khổng lồ.
- Bệnh hạch bạch huyết: Nhiễm trùng, ung thư, bệnh u hạt.
- Xuất huyết trực tràng, đau bụng mạn tính: Ung thư đại - trực tràng.
- Ho, khó thở, ho máu: Ung thư phổi, lao, bệnh u hạt, nấm phổi, nhiễm HIV / AIDS.
- Tiểu ra máu: Ung thư thận hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
- Sợ nóng, run tay, lo lâu, vã mồ hôi: Bệnh cường giáp.
- Khát nước quá mức và đi tiểu nhiều: Bệnh đái tháo đường.
- Đau xương (không liên quan đến hoạt động, đau chủ yếu về ban đêm): Đa u tủy xương, di căn xương từ ung thư vú, tuyến tiền liệt hoặc ung thư phổi.
- Nhức đầu hoặc các triệu chứng thị giác và đau cơ ở người lớn tuổi: Viêm động mạch tế bào khổng lồ.
- Đau khớp: Viêm nội tâm mạc, viêm động mạch tế bào khổng lồ.
- Đau bụng, mệt mỏi, chóng mặt khi thay đổi tư thế: Suy thượng thận.
- Đau bụng: Thiếu máu, đái tháo đường, nhiễm giun sán.
- Cổ chướng: Nghiện rượu, hội chứng thận hư.
- Sốt: Ung thư, các rối loạn viêm.
- Phù: Bệnh thận mạn, hội chứng thận hư.
- Rối loạn giấc ngủ, giảm ham muốn tình dục, buồn rầu: Trầm cảm.
Trong trường hợp sụt dưới 5% cân nặng bình thường vẫn nên theo dõi tùy thuộc vào độ tuổi và bệnh lý đi kèm của người bệnh.
Ở bệnh nhân ghi nhận sụt cân trên 5% cân nặng bình thường và bệnh sử hoặc khám lâm sàng có bất thường, cần làm thêm xét nghiệm để xác định chẩn đoán nghi ngờ.
Các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nước tiểu và phân có thể được bác sĩ yêu cầu. Ngoài ra, nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang ngực; chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực hoặc bụng; chụp cộng hưởng từ (MRI); siêu âm tim; chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) là phương pháp sử dụng trong chẩn đoán bệnh lý ung thư.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()