Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:01 (GMT +7)
Sức sống nông thôn mới ở Đầm Hà
Chủ nhật, 20/08/2023 | 08:36:48 [GMT +7] A A
Sau gần 13 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đầm Hà đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Từ một huyện khó khăn chồng chất khó khăn những ngày đầu bước vào xây dựng NTM, ngoài cơ sở hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là khá cao, có xã, thôn chiếm tới trên 90%. Đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế của huyện đã cơ bản đầu tư đồng bộ, 3/3 xã vùng cao và 19/19 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn năm 2022 đã đạt 69,41 triệu đồng/người/năm.
Ngày đầu khi Đầm Hà bắt đầu triển khai xây dựng NTM, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu gần như là con số không. Ngoài khó khăn trên là một thách thức rất lớn đối với cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương, tuy nhiên, với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân nên sau hơn 12 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay Đầm Hà đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo bộ tiêu chí quốc gia trước đây. Có 8/8 xã được công nhận xã NTM, 5/8 xã được công nhận NTM nâng cao, 2/8 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, huyện Đầm Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Theo bộ tiêu chí quốc gia mới (giai đoạn 2021-2025), các chỉ tiêu, tiêu chí đều khá cao so với thực tế của Đầm Hà, nhưng đây chính là cơ hội để Đầm Hà bứt phá toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhất là cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ngày càng giàu có hơn, bản làng ngày càng khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Đầm Hà phấn đấu đến hết năm 2023 các xã Quảng An, Quảng Lâm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các xã Tân Lập, Đại Bình đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 7 thôn đạt chuẩn NTM để nâng tổng số toàn huyện đạt 58/62 thôn đạt chuẩn.
Mặt khác, huyện duy trì, nâng chất tiêu chí các vườn đã đạt chuẩn NTM đến hết năm 2023, phấn đấu có thêm 60 hộ gia đình NTM kiểu mẫu; phát triển thêm 1 cơ sở sản xuất tham gia chu trình OCOP và thẩm định, công nhận phát triển thêm ít nhất 3 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn; tham gia dự thi cấp tỉnh và được chứng nhận thêm từ 3 sản phẩm đạt 3 sao đến 4 sao cấp tỉnh năm 2023.
Đặc biệt, về tiêu chí thu nhập, vệ sinh môi trường đối với những xã vùng cao, vùng sâu, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã đưa ra quyết tâm và phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt trên 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,1%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Trong lộ trình phấn đấu hết năm 2023 đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Quảng Lâm đã họp bàn, xây dựng kế hoạch và rà soát lại tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu, đồng thời phân công giao rõ trách nhiệm cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã, từng đoàn thể, tổ chức xã hội - chính trị đảm trách các tiêu chí, chỉ tiêu theo phần việc cụ thể, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể. Vì vậy, đến nay không ít tiêu chí, chỉ tiêu được cho là khó như về cứng hoá đường liên thôn, nội thôn, nội đồng, đường ngõ xóm, thôn bản và tiêu chí về môi trường thì đã cơ bản hoàn thành và tạo cho Quảng Lâm ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, mang dáng dấp của một đô thị đang trên đà phát triển.
Đặc biệt, trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, Quảng Lâm đã đổi mới hình thức tuyên truyền theo hình thức cán bộ phụ trách địa bàn hàng tuần vào ngày cuối tuần phải trực tiếp đến từng hộ và ra tận vườn cầm tay chỉ việc để giúp người dân phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng NTM nâng cao.
Chị Síu A Sủi, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, vui mừng cho biết: Kể từ khi được cán bộ phụ trách địa bàn của xã trực tiếp đến tận nhà tuyên truyền vận động và cầm tay chỉ việc nên gia đình tôi đã tiến hành cải tạo khu đất hoang sau nhà để xây chuồng nuôi lợn. Hơn nữa, xã tạo điều kiện cho gia đình theo học một số lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, vay vốn nên giờ đây gia đình tôi đã trở thành hộ khá, hộ giàu của thôn, của bản, mỗi năm chỉ riêng nguồn thu từ chăn nuôi lợn cũng lên tới hơn 100 triệu đồng.
Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Tân Bình xác định rõ nhiệm vụ và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu. Theo đó, ngoài việc tiếp tục nâng cấp các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí quốc gia mới (giai đoạn 2021-2025), xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hình thức thế mạnh của từng hộ dân. Từ cách làm đó, hầu hết các hộ dân trong vùng nuôi thuỷ hải sản của thôn Bình Hải, xã Tân Bình đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư bài bản ao nuôi. Điển hình là mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Ngọc Tân, thôn Bình Hải. Theo anh Tân thì từ khi được sự hỗ trợ động viên của chính quyền xã, gia đình anh quyết định thu hẹp diện tích canh tác từ hơn 2ha nuôi tôm quảng canh xuống còn gần 1ha nuôi tôm công nghiệp. Và kể từ khi nuôi tôm công nghiệp thu nhập kinh tế ổn định hơn rất nhiều, mỗi năm thu hoạch khoảng 20 tấn tôm và lợi nhuận dao động từ 1-2 tỷ đồng.
Sức sống mới trong xây dựng nông thôn ở Đầm Hà hôm nay đang ngày càng bừng sáng. NTM nâng cao ở huyện Đầm Hà đã và đang góp phần quan trọng thay đổi diện mạo cả khu vực. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế ngày càng được hoàn thiện, kể cả ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào thiểu số sinh sống. Môi trường, cảnh quan nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng sáng hơn, xanh hơn và đẹp hơn. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, an ninh chính trị được giữ vững, đặc biệt đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các vùng nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị từng bước được thu hẹp, góp phần để Đầm Hà hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023.
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()