Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:31 (GMT +7)
Sức sống nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 3, 17/09/2024 | 13:58:06 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với sự phát triển chung của tỉnh, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc, thay đổi rõ rệt.
Quảng Ninh có 67/177 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên không thuận lợi, dân cư thưa thớt, đất canh tác manh mún, bạc màu. Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu, khó tiếp thu khoa học, kỹ thuật. Trình độ phát triển của các thành phần dân tộc trong tỉnh chưa đồng đều, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong vùng còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh... Những khó khăn, hạn chế đó đã đặt ra không ít thách thức trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Song, bằng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, với sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, chương trình xây dựng NTM vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả rõ rệt.
Bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng đã chỉ đạo UBND tỉnh cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch, triển khai kịp thời, bài bản, khoa học và có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc; trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn. Cùng với đó, tập trung rà soát nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn làm căn cứ pháp lý triển khai thực hiện chương trình, tập trung chỉ đạo thực hiện.
Kiên trì phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư” và quan điểm ngân sách Nhà nước là “vốn mồi” có ý nghĩa quan trọng tạo ra động lực để thu hút các nguồn lực khác, tỉnh tiếp tục tạo đột phá trong việc tập trung, ưu tiên dành nguồn lực cho chương trình, cho các chính sách dân tộc; nguồn vốn được bố trí có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, tạo kết nối giữa các vùng miền, phục vụ đắc lực đời sống của nhân dân. Đến nay, 100% xã có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; 100% xã duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 100% số hộ dân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo của tỉnh được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao sinh kế của nhân dân…
Bên cạnh đó, tỉnh giải quyết các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… để người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi để cùng liên kết, hình thành mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn; tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ để người dân ứng dụng vào sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế, các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập và điều kiện sống; tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại địa phương; đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng NTM, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, đến hết năm 2023, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương, theo chuẩn nghèo của tỉnh chỉ còn 246 hộ nghèo, 3.063 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ lần lượt là 0,064% và 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh), trong đó 171 hộ nghèo, 1.638 hộ cận nghèo DTTS. 100% hộ đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn hiện hành đạt trên 67%... Riêng về thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tính đến hết năm 2023 đạt trên 73 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước, cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS.
Quảng Ninh cũng hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 31/64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 13/64 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; năm 2024, tiếp tục phấn đấu 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ông Hoàng Văn Đức, khu 3, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ chia sẻ: Tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, phát triển KT-XH, nhiều công trình phúc lợi xã hội, phục vụ đời sống dân sinh hoàn thành. Cùng với đó, người dân nâng cao ý thức; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình; tích cực chung tay góp sức xây dựng NTM trên địa bàn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()