Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:35 (GMT +7)
Sức sống mới ở Trình Tường
Thứ 2, 25/09/2023 | 13:45:32 [GMT +7] A A
Cụm dân cư Trình Tường (thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) được thành lập từ lòng quyết tâm định cư, bám đất, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của đồng bào vùng cao. Vùng rừng núi biên cương hoang vu, đèo cao, suối sâu hiểm trở khi xưa giờ đây đang rộn rã thanh âm nhịp sống mới, góp nhặt từ vô vàn những câu chuyện tình người gắn kết, nỗ lực vượt qua gian khó.
Niềm tin theo ánh lửa hồng
Trong ký ức của ông Doòng Dì Lảy, cũng như nhiều cư dân Trình Tường, cuộc sống của những ngày cũ hơn 20 năm về trước vẫn chưa thể nào quên. Khi ấy, cụm dân cư biên giới Trình Tường nằm cách trung tâm xã hơn 10km đường rừng hiểm trở, hạ tầng thiếu thốn, dân cư thưa thớt, đời sống đói nghèo, nhiều tập quán lạc hậu, hủ tục còn tồn tại.
Gia đình ông Doòng Dì Lảy trước đây cũng sống tách biệt trên sườn đồi cheo leo, lẩn khuất dưới tán rừng, chứ chưa hình thành cụm dân cư sống quây quần, đùm bọc nhau như bây giờ. Tình hình an ninh trật tự chưa thực sự ổn định, những vụ việc xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép... vẫn diễn ra. Chỉ đến khi chủ trương của Đảng về ổn định đời sống cho người dân vùng cao, xóa bỏ du canh, du cư được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, sự đổi thay của nơi này mới bắt đầu.
Để có được thành quả đó phải kể đến từ sự vào cuộc của CBCS Lâm trường 156 (Đoàn KT-QP 327, Quân khu 3). Nhằm khép kín vành đai biên giới bằng những làng bản, cụm dân cư ổn định, liên tục, ngay từ những ngày đầu tiên thành lập (năm 2002), các CBCS của Lâm trường 156 đã không quản nắng mưa mở lối, làm đường thông suốt, xây đập tích nước, khai khẩn đất hoang, tạo dựng nền tảng cho cụm dân cư Trình Tường nằm trên điểm cao 790, thuộc thôn Bắc Cương. Cùng với công tác dân vận khéo được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống khó khăn, rải rác đã dần dần tụ họp về đây định cư, bắt đầu cuộc sống mới.
Có thể nói, chủ trương của Đảng về định canh, định cư đã như “ánh lửa hồng” dẫn đường để cuộc sống bước sang trang mới tươi sáng cho Trình Tường. Các hộ dân liên tục được hỗ trợ toàn diện, từ các lớp học xóa mù chữ, đến các lớp hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo đất đai canh tác hoa màu, đào ao thả cá...
Đặc biệt, các CBCS Lâm trường 156 còn lặn lội đi mua những giống cây cho năng suất cao, hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng núi vốn khắc nghiệt này về trồng thí nghiệm, khi thấy có kết quả mới hướng dẫn cho bà con làm theo. Nhờ đó, khu vực đất rừng hoang sơ đã được cải tạo thành đất nông nghiệp, đủ cho 14 hộ dân canh tác được một vụ lúa và một vụ màu. Các gia đình còn trồng thêm cây ăn quả, trồng rừng keo để thêm nhiều nguồn thu nhập.
Năm 2006, điện lưới được đưa về đến tận thôn, bà con phấn khởi mua sắm tivi, tủ lạnh, quạt máy, máy bơm nước... để sinh hoạt trong gia đình. Có kinh tế dần vững vàng, đời sống tinh thần cũng dần đổi mới, các điều kiện về giáo dục, y tế cũng từng bước nâng cao hơn trước. Khi đã yên tâm định cư lâu dài, mỗi người dân Trình Tường giờ đây đóng vai trò như một “cột mốc sống”, góp phần tích cực vào củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn biên giới. Một số quần chúng ưu tú đã được giới thiệu, kết nạp Đảng, tham gia sinh hoạt tại Chi bộ thôn Bắc Cương.
Thêm những động lực mới
Dù vậy, những nỗ lực vượt khó ấy vẫn chưa thể rút ngắn được khoảng cách chênh lệch điều kiện sống giữa cụm dân cư Trình Tường với ngay cả vùng trung tâm xã. Cùng bởi vì đặc thù vùng sâu, vùng xa, trải qua 2 thập kỷ, hạ tầng cơ sở của Trình Tường trước đây được Nhà nước đầu tư đã dần xuống cấp. Do đó, từ năm 2020, huyện Bình Liêu cùng với Đoàn KT-QP 327 bắt đầu triển khai các nhiệm vụ phối hợp hỗ trợ xây dựng cụm dân cư Trình Tường thành khu dân cư kiểu mẫu.
Với mục tiêu này, huyện xác định cần tranh thủ tối đa sự đồng hành của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, LLVT... để có nguồn lực phù hợp giúp phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội của Trình Tường. Đó cũng là cách để huyện cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Từ tháng 2/2023, Hội CCB tỉnh đã quyết định hỗ trợ huyện Bình Liêu khởi công cải tạo toàn bộ cơ sở hạ tầng cho khu dân cư Trình Tường. Nguồn kinh phí thực hiện gần 1,6 tỷ đồng do cán bộ, hội viên CCB toàn tỉnh đóng góp và Hiệp hội Doanh nghiệp CCB tỉnh ủng hộ. Công trình này được xác định là điểm nhấn hoạt động của lực lượng CCB toàn tỉnh hướng về chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023).
Đầu tháng 9 vừa qua, chúng tôi trở lại Trình Tường đúng ngày khánh thành cụm dân cư với diện mạo bừng sức sống mới. Con đường dẫn vào cụm dân cư được thảm bê tông toàn bộ, có 10 cột đèn điện chiếu sáng. 12 căn nhà cũ xập xệ ngày nào giờ đây đều được sửa chữa, xây mới thật khang trang, vững chãi, sạch đẹp. Khu nhà vốn là điểm trường bỏ hoang, nay được cải tạo thành nhà văn hóa cộng đồng, được sơn sửa lại toàn bộ để thuận tiện hội họp, sinh hoạt văn hóa... Bể chứa nước xuống cấp được cải tạo thành một giếng nước sinh hoạt chung, đảm bảo cung cấp đủ nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt thường ngày của các hộ dân.
Đón chúng tôi là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bắc Cương Doòng Cắm Xằng với niềm vui hiện cả lên trong ánh mắt. Doòng Cắm Xằng kể cho chúng tôi nghe nhiều về không khí phấn khởi tràn ngập ở Trình Tường những ngày này. Để mừng “nhà mới”, người thì góp gạo, nhà thì góp gà, cùng tổ chức một bữa cơm đoàn kết chung cho cả cụm dân cư. Dẫn chúng tôi đi tham quan những hạng mục công trình mới, Doòng Cắm Xằng còn tự hào giới thiệu cả về khu đất gần 6ha đã được trồng hơn 2.000 cây mận - mô hình được huyện Bình Liêu và Đoàn KT-QP 327 hỗ trợ riêng cho cụm dân cư Trình Tường từ gần 2 năm nay để đa dạng hóa sinh kế cho bà con. Những cây mận đang mạnh mẽ đâm chồi, hứa hẹn nhiều vụ mùa trĩu quả.
Câu chuyện về những dự định mới của bà con ở cụm dân cư Trình Tường cứ thế trôi đi trong không khí se lạnh chớm thu giữa vùng cao biên giới. Một điệu hát pả dung truyền thống của đồng bào Dao Thanh Phán chợt ngân lên. Chúng tôi cảm nhận một sức sống mới đang được thổi bùng lên giữa vùng đất biên cương xa xôi nơi đây!
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()