Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:13 (GMT +7)
Sức sống mới ở thương cảng xưa
Thứ 4, 01/09/2021 | 10:59:54 [GMT +7] A A
Được sự quan tâm của Trung ương và sự đầu tư của tỉnh, những năm gần đây, huyện Vân Đồn đã có bước phát triển mạnh mẽ, phát huy tốt những tiềm năng, thế mạnh sẵn có về vị trí, thiên nhiên và văn hóa.
Vùng đất giầu tiềm năng
Ngược dòng lịch sử, Thương cảng Vân Đồn chính thức được thành lập vào thời vua Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (1149), với tên gọi ban đầu là trang Vân Đồn. Kể từ đó, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hóa, thu thuế và căn cứ phòng vệ. Đồng thời, thương cảng này có vai trò chính trị hết sức quan trọng trong các thời đại: Lý, Trần, Lê, Mạc.
Trải qua một thời gian dài hoạt động, đến cuối thế kỷ XVIII, Vân Đồn dần mất đi vai trò của một thương cảng ngoại thương Việt Nam và bước sang thế kỷ XIX thì gần như hoàn toàn mất hẳn chức năng của một thương cảng. Giai đoạn những năm 80, 90 của thế kỷ XX, Vân Đồn rơi vào tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Do vậy, để Vân Đồn xứng tầm với những tiềm năng vốn có là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo địa phương khi ấy.
Ông Nguyễn Minh Trang, nguyên quyền Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, kể lại: Năm 1986, bước vào thời kỳ đổi mới, Vân Đồn đã quyết tâm xin chủ trương đầu tư, đưa điện lưới quốc gia về huyện, với hy vọng chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài về sau này. Thế nhưng thời điểm đó, do hạ tầng yếu kém, tách biệt với đất liền, dù điện đã được kéo ra, nhưng kinh tế vẫn còn nghèo nàn, người dân vẫn vô cùng khó khăn. Ngân sách nhà nước thu được chỉ 4-5 tỷ đồng/năm, kinh tế hoàn toàn dựa vào đánh bắt hải sản, chưa có nuôi trồng.
Tháng 3/1994, Vân Đồn chính thức trở thành một huyện độc lập sau khi tách ra khỏi huyện Cẩm Phả. Năm 1996, huyện tranh thủ vốn chương trình Biển Đông hải đảo, mỗi năm được đầu tư vài chục tỷ đồng để xây dựng đường bê tông trục chính các xã, xây dựng bến cập tàu tại các xã đảo và xây dựng cầu Vân Đồn (khởi công tháng 4/2002, khánh thành ngày 1/1/2005). Cây cầu xây xong đã tạo điểm nhấn cho sự phát triển của Vân Đồn về sau này.
“Đất rồng nâng cánh chim ưng”
Đó là tựa đề một bài báo do chính ông Nguyễn Minh Trang viết khi đánh giá lại quá trình vượt khó đi lên của mảnh đất vốn là thương cảng sầm uất khi xưa.
KKT Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26/7/2007 và được phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào tháng 8/2009. Đây là “cú hích” cho chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện đảo Vân Đồn nói riêng, có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong vùng.
Ngày 3/1/2015, Ngọc Vừng, xã đảo cuối cùng trên địa bàn huyện Vân Đồn chính thức được đóng điện lưới quốc gia. Như vậy là chỉ sau 255 ngày đêm kể từ khi khởi công, hơn 2.100 hộ dân và các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn 5 xã đảo của huyện Vân Đồn đã được cấp điện. Bên cạnh đó, người dân các xã đảo cũng được dùng nước hợp vệ sinh. Đây là dấu mốc quan trọng, là kỳ tích đối với quân và dân các xã đảo. Đồng thời là một trong những yếu tố then chốt, tạo tiền đề hướng tới sự thành công của KKT Vân Đồn với diện mạo mới, hiện đại, đồng bộ, để phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, thỏa mãn khát vọng bao đời của quân dân các xã đảo.
Tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn đến năm 2040, theo hướng chất lượng cao, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân, du khách và lao động tại KKT, phù hợp với đặc điểm biển đảo của huyện Vân Đồn. Từ đó, đáp ứng yêu cầu phát triển Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế. KKT Vân Đồn được thành lập thí điểm trong vòng 3 năm và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2020, theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ.
Ngày 18/12/2020, 3 quy hoạch phân khu KKT Vân Đồn đã được UBND tỉnh chính thức công bố, gồm: Quy hoạch phân khu Khu vực Cái Rồng; Quy hoạch phân khu Khu vực sân bay; Quy hoạch phân khu Khu vực Bắc Cái Bầu. Đây là 3 phân khu quan trọng tại KKT Vân Đồn, tích hợp đầy đủ các tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Quảng Ninh đã huy động, thu hút trên 60.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, các công trình động lực phục vụ phát triển KKT Vân Đồn, trong đó vốn ngân sách chiếm 30%, vốn ngoài ngân sách chiếm 70% (chủ yếu bằng hình thức đầu tư đối tác công - tư). Các công trình trọng điểm nổi bật đã hình thành là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn… Đặc biệt, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021, đưa Vân Đồn trở thành trung tâm kết nối tuyến hành lang đường cao tốc Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc.
"Vị thế Vân Đồn giờ đây đã khác, diện mạo Vân Đồn cũng đã khác xưa, Vân Đồn giờ đây đã được xếp vào CLB nghìn tỷ (thu ngân sách). Đó là thành tựu đáng tự hào của sự đồng tâm, khát vọng vươn lên. Thế hệ chúng tôi giờ đây vui mừng trước sự đổi thay của huyện nghèo khi xưa" - Ông Vũ Xuân Kính (67 tuổi), nguyên là cán bộ Huyện ủy (hiện sống tại khu 5, thị trấn Cái Rồng) phấn khởi nói.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()