Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:40 (GMT +7)
‘Sức nóng’ mùa du lịch hè: Nhiều dịch vụ quá tải
Chủ nhật, 03/07/2022 | 10:09:53 [GMT +7] A A
Khi du lịch mở cửa trở lại từ tháng 15/3/2022 sau hơn 2 năm đóng băng vì đại dịch COVID-19, ngành kinh tế tổng hợp này tăng trưởng thẳng đứng với “sức nóng” mùa cao điểm hè. Gần như các dịch vụ từ tháng 5 trở lại đây luôn trong tình trạng quá tải.
Du lịch biển hút khách
Bà Phạm Thị Liên (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cùng nhóm gia đình lên kế hoạch đi du lịch Sầm Sơn, Thanh Hoá từ tháng 6 nhưng các khách sạn kín phòng và giá lên tới 1,3-1,4 triệu đồng/phòng/tối. “Do vậy, chúng tôi phải chuyển chương trình đi du lịch sang tháng 7. Tính ra đi 3 ngày 2 đêm ở khách sạn 3 sao giá gần 3 triệu đồng/người”, bà Phạm Thị Liên chia sẻ.
Còn chị Hoàng Thu Huyền (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trước dịch, đi du lịch Đà Nẵng, mua combo giá vé và khách sạn 3 ngày 2 đêm giá tầm 3,5 triệu đồng – 4 triệu đồng. Nhưng trong hè này, riêng giá vé máy bay khứ hồi đã khoảng 4 triệu đồng. Hầu hết dịch vụ đều tăng giá đến khoảng 40-50% so với trước đây.
Theo ghi nhận của phóng viên, các điểm du lịch hot nhất hè 2022 vẫn là những thành phố ven biển, có nhiều hoạt động vui chơi giải trí, phù hợp các gia đình có trẻ em. Điển hình là các điểm du lịch thành phố biển như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Hạ Long (Quảng Ninh), Thành phố Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Cát Bà (Hải Phòng)… lượng khách du lịch đã chật kín, sân bay luôn quá tải.
Thừa nhận tình trạng giá tăng cao, ông Lê Công Năng, CEO Wondertour cho biết: Dịp hè này, các điểm đến là du lịch biển luôn hút khách như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Cát Bà, Cửa Lò… Giá chi phí tour dịp này đều bị đội lên cao như: Hướng dẫn viên trước công tác phí 500.000 - 600.000 đồng/ngày thì nay phải trả cao hơn; các khách sạn, nhà hàng cũng tuyển thêm nhân sự, giá xăng tăng đẩy giá thuê xe lên cao.
“Hình thành xu hướng đi theo nhóm gia đình từ trong giai đoạn dịch nên nhiều gia đình và nhóm bạn đi theo nhóm dịp hè. Tuy nhiên, với những nhóm khách lẻ, nếu đi không có kế hoạch dài hạn từ trước mà sát ngày đặt phòng thì giá rất cao vì chủ khách sạn muốn tối ưu hoá lợi nhuận. Theo quy luật, cao điểm du lịch hè sẽ kéo dài đến hết tháng 7 khi học sinh chuẩn bị vào nhập học và sẽ ổn định và kết thúc cuối tháng 8. Sau đó là mùa du lịch khách quốc tế”, ông Lê Công Năng cho biết.
Khách nội địa trong dịp hè tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ. Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong cho biết: “Theo phản ánh của du khách, chất lượng của không ít khách sạn, kể cả 4-5 sao không được như trước kia. Một phần do nhiều khách sạn phải dừng hoạt động suốt 2 năm qua, cắt giảm nhân sự nay mới tuyển dụng lại. Bên cạnh đó, tình trạng nhà xe chất lượng dịch vụ cũng không được tốt như hỏng mic, hỏng điều hoà, ghế rách vỏ bọc…”.
Kể về những tình huống dở khóc, dở cười khi tổ chức tour dịp hè, ông Ngô Văn Long, Phó Giám đốc Vietmoon Travel chia sẻ, khi doanh nghiệp triển khai tour tàu hỏa Quảng Bình, tàu di chuyển đến Quảng Bình chậm hơn 3 giờ, thay vì đón khách ăn sáng thì phải chuẩn bị bữa trưa cho khách khiến chương trình bị đảo lộn, thậm chí doanh nghiệp phải cắt bớt chương trình, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp. “Còn với khai tour Cát Bà, phà Gót cũng ùn tắc đến 3 giờ, khách phải ngồi rất lâu ở bến phà vì không có xe đón. Nếu cho khách đi cáp treo thì giá sẽ đội lên, doanh nghiệp không có lãi, giá tour cũng cao, không thu hút được du khách. Du khách có phàn nàn thì doanh cũng chỉ biết xin lỗi...”, ông Ngô Văn Long cho biết.
“Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến giá vận chuyển; giá xe tăng nhiều, có nhà xe báo tăng đến 40% so với trước khi mở cửa, giá vé máy bay cũng tăng. Giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, các dịch vụ nhà hàng cũng tăng giá, trong khi du khách thì không sẵn sàng trả giá cao. Du lịch vẫn trong quá trình hồi phục mà giá cao quá cũng sẽ ảnh hưởng quá trình hoạt động của doanh nghiệp, làm chậm quá trình hồi phục về lâu dài. Còn hiện nay, nhu cầu đi du lịch dịp hè đổ dồn trong tháng 5 đến giữa tháng 8 khiến cầu vượt cung”, Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết.
Sự tăng trưởng vượt bậc
Thống kê từ các cơ quan địa phương, hoạt động du lịch nội địa chứng kiến sự bùng nổ trong 3 tháng trở lại đây, thể hiện bởi lượng du khách tăng trưởng mạnh qua các tháng. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong tháng 5 và tháng 6/2022 lượng khách nội địa lần lượt đạt 12 triệu và 12,2 triệu lượt. “Đây là lượng khách nội địa trong một tháng cao nhất tại Việt Nam những năm gần đây. Điều này minh chứng du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết.
Với lượng khách tăng mạnh trong 2 tháng gần đây góp phần đưa lượng khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt (gấp gần 1,4 lần cùng kỳ năm 2019), trong đó có khoảng 8,3 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265.000 tỷ đồng.
Nhiều điểm đến trên cả nước có sự phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch. Trong đó, đến hết tháng 6/2022, du lịch Hà Nội đón 8,61 triệu lượt người, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách nội địa đạt 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, cũng tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ngành du lịch Quảng Ninh cũng đang phục hồi mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh ước tính đón được 5,5 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần cùng kỳ, tăng 19,57% so với kế hoạch. Còn tại thành phố Sầm Sơn, từ đầu năm đến nay đón trên 4,1 triệu lượt khách, gấp 2,59 lần cùng kì năm 2021, vượt 17,88% kế hoạch năm. Doanh thu du lịch của thành phố đạt trên 3.400 tỷ đồng, gấp 2,47 lần cùng kì năm 2021. Thành phố Sầm Sơn đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách năm 2022. Còn tại Đà Nẵng, du lịch, phục hồi tích cực kể từ cuối quý I/2022, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70 - 75%.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Khánh Hòa đã đón 1,046 triệu lượt du khách, tăng 128,64% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 42.507 lượt, tăng 122,51% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu du lịch ước đạt 5.549,7 tỷ đồng, tăng 209,44% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch đề ra 4.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có lượng khách nội địa tăng vượt bậc với hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước, đạt 61,6% kế hoạch năm 2022, cùng với 478.000 lượt khách quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ, đạt 13,7% so với kế hoạch năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2022 tăng 94,4% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2022 tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của một số địa phương như sau: Cần Thơ tăng 52,1%; Hà Nội tăng 44,4%; Đồng Nai tăng 22,6%...
Một tín hiệu khá lạc quan là khách quốc tế đến Việt Nam cũng được ghi nhận đang trên đà tăng mạnh trở lại. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 5, Việt Nam đón 172.900 lượt khách quốc tế, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cũng cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50 - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Do đó, nếu làm tốt công tác sản phẩm, du lịch Việt Nam sẽ có sự phục hồi với khách quốc tế từ khoảng tháng 9, khi bắt đầu vào mùa đón khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam).
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: “Lo ngại lớn nhất của những người làm du lịch là chất lượng dịch vụ. Trước dịch COVID-19, nhân lực ngành du lịch đã thiếu và yếu, nay lại càng yếu do rời bỏ nghề. Tiềm lực của các chủ doanh nghiệp cũng hạn chế nên dịp hè này, sau những luồng khách ban đầu, các khách sạn, nhà hàng mới tiếp tục đầu tư để chỉnh trang, tu sửa lại cơ sở vật chất để không trong 2 năm qua. Cùng với đó, các đơn vị tuyển lại nhân sự nhưng đa phần là tuyển mới theo kiểu vừa làm vừa đào tạo. Cho nên trong giai đoạn tới, ngành du lịch vẫn coi đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực làm trọng tâm”.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()