Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 04:58 (GMT +7)
“Sức bật” Nghị quyết 06
Thứ 3, 09/04/2024 | 07:35:54 [GMT +7] A A
Với chủ trương đúng đắn, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai với cách làm riêng có của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, người dân, tỉnh Quảng Ninh đã tạo đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu giai đoạn. Đến nay, sau 3 năm triển khai đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo bứt phá về KT-XH khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Mục tiêu cao, quyết tâm lớn
Quảng Ninh có 67/177 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; đồng bào DTTS chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Nhiều năm trước, tỷ lệ hộ nghèo chủ yếu rơi vào khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; điều kiện sống cũng như sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Kiên trì phương châm “lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh đã chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, tỉnh đã chỉ đạo triển khai sâu rộng phong trào thi đua Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06-NQ/TU; Vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021-2025 gắn với triển khai thực hiện phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh với chủ đề “Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”…
Trong quá trình triển khai, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương thường xuyên sâu sát cơ sở để kiểm tra tiến độ, đánh giá kết quả thực hiện theo từng tháng, quý và cả năm, nhất là đối với các xã xây dựng NTM thuộc khu vực đồng bào DTTS, biên giới, miền núi, hải đảo. Với nhiều giải pháp linh hoạt, trong 3 năm (2021-2023) tỉnh đã huy động trên 114 ngàn tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 06 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, xác định phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có vai trò quan trọng, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền trong tỉnh, tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực, kêu gọi đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng động lực với vùng khó khăn, gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, KKT, KCN. 3 năm qua, tỉnh đã đầu tư thêm 744km đường (80km cao tốc và 644km quốc lộ, đường địa phương). Nhiều dự án kết nối vùng đồng bào dân tộc đã hoàn thành cũng như đang đẩy nhanh triển khai, như: Đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; đường nối từ QL279, tỉnh Quảng Ninh đến ĐT291, tỉnh Bắc Giang; nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm; đường nối từ TL342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương (TP Hạ Long); nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Giai đoạn 2; đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng An (huyện Đầm Hà); đường kết nối từ QL18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà)... Các tuyến đường hoàn thành ngoài việc cải thiện, đảm bảo an toàn giao thông, còn là động lực để thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, xóa đói giảm nghèo vùng khó.
Đồng chí Nình Móc Mộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) cho biết: Năm 2020, xã Đại Thành sáp nhập vào xã Đại Dực - đây là bước ngoặt lớn giúp địa phương có thêm nguồn để phát triển. Năm 2021, tuyến đường Khe Lục - Khe Nà được khởi công. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sau gần 2 năm xây dựng, tuyến đường huyết mạch kết nối hai đầu của xã Đại Dực đã hoàn thành, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Cũng nhờ có huyết mạch mới, tình trạng một xã, hai điểm cầu hành chính được xóa bỏ. Con đường lớn thênh thang kết nối đến trung tâm xã Đại Dực mang đến niềm tin, hy vọng, cuộc sống mới cho đồng bào nơi đây.
Cũng trong 3 năm qua, tỉnh còn đầu tư 18 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn các xã trong lộ trình hoàn thành các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu; đầu tư nâng cấp 24 trường học, trong đó có 3 trường ở vùng đồng bào DTTS và miền núi: THPT Bình Liêu, THPT Ba Chẽ, THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long) được xây dựng theo tiêu chí chất lượng cao. Đến nay cơ bản 727/727 thôn có nhà văn hóa; 98/98 xã có Trung tâm thể thao hoặc sân tập thể thao.
Hiện thực hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia, Quảng Ninh đã đạt bằng kết quả, định lượng cụ thể. Trong 25 chỉ tiêu cụ thể thuộc 10 nhóm mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh có 11 chỉ tiêu tỉnh đã vượt, 9 chỉ tiêu đạt, còn 5 chỉ tiêu đang trong lộ trình hoàn thành trong năm 2024 và 2025. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so với năm 2020; cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS).
Hết năm 2023, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương; hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công, xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát; tỷ lệ hộ nghèo, đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sạch đạt 67,17%. Đến nay, 100% thôn được phủ sóng điện thoại di động và hạ tầng băng rộng cáp quang, xóa “vùng lõm” sóng điện thoại di động ở các khu vực có dân cư sinh sống thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và của tỉnh; tỷ lệ đồng bào DTTS có BHYT đạt trên 98%; 100% xã duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế xã…
Ông Lý Tài Thông (nguời có uy tín tiêu biểu xã Tân Dân, TP Hạ Long), phấn khởi cho biết: “Những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đúng cách của tỉnh trong những năm gần đây, nhất là Nghị quyết 06-NQ/TU đã khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tình cảm trước những nỗi niềm khó khăn của người dân vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các chủ trương đi vào cuộc sống đã đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của người dân, tiếp tục tạo động lực để bà con đồng bào DTTS vươn lên phát triển sản xuất, khai thác lợi thế và làm giàu trên mảnh đất quê hương…
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn
Với sự sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, mặc dù còn 2 năm mới kết thúc giai đoạn 2021-2025 thực hiện Nghị quyết 06, song đến nay mục tiêu chung và trên 80% chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết số 06-NQ/TU và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH đồng bào DTTS và miền núi cả giai đoạn đã hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi hoàn thành trước 3 năm các mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Mục tiêu của tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 cho 98/98 xã và 9 đơn vị cấp huyện (đã đạt chuẩn giai đoạn trước).
Theo đánh giá của tỉnh, kết quả thực hiện Nghị quyết 06 thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế cần sớm giải quyết, đó là: Liên kết trong sản xuất chưa nhiều, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP ít và chưa ổn định; hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn thấp, chưa được quan tâm củng cố về tổ chức, năng lực quản trị. Bên cạnh đó, sự chênh lệch thu nhập vùng nông thôn và thành thị khoảng cách vẫn lớn. Kết quả xây dựng NTM trong tỉnh có sự chênh lệch giữa các địa phương; ở một số vùng khó khăn tiêu chí, chỉ tiêu chưa cao, chưa thật sự bền vững…
Theo đồng chí Ân Thị Thìn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thực tế cho thấy, việc nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra trong công tác dân tộc, đặc biệt là giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo giúp Quảng Ninh giải quyết tốt, hiệu quả chính sách bảo đảm đời sống, an sinh xã hội. Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp tham mưu UBND tỉnh xây dựng, triển khai một số đề án cụ thể hóa chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi trên các lĩnh vực; triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được cụ thể hóa tại các chương trình, kế hoạch hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, tỉnh tập trung lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt công tác giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh; cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành đối với thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, việc làm, trợ giúp xã hội, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn. Tỉnh quan tâm cơ cấu nguồn thu nhập của người dân trên cơ sở kết quả khảo sát thu nhập hộ dân cư 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và khảo sát thu nhập hộ dân cư trên địa bàn 34 xã thuộc chương trình xây dựng NTM của tỉnh (ngoài 67 xã, thị trấn trên). Từ đó xác định giải pháp cụ thể với địa chỉ đến xã, thôn để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024 thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/người/năm.
Nghị quyết 06 - Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, đặt trọng tâm và hướng đến vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán trong chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc và đầu tư phát triển đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều này thể hiện đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược, thống nhất ý chí, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh nhất quán quan điểm “lấy dân làm gốc”, làm trung tâm, từ đó tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ; phát huy vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng, nhất là đối tượng thụ hưởng chính sách trong quá trình thực hiện các chương trình, đề án, chính sách cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, duy trì kết quả phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch vùng miền, đưa Quảng Ninh phát triển toàn diện, bền vững.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()