Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:24 (GMT +7)
Sức bật giáo dục thời 4.0
Thứ 4, 03/05/2023 | 10:28:41 [GMT +7] A A
Cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra những thuận lợi nhưng cũng buộc ngành Giáo dục cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng, phải bắt nhịp để đổi mới trong quản lý và phương pháp dạy học. Từ đó tạo ra một môi trường học tập hiệu quả, thích ứng với tốc độ hiện đại hóa của xã hội.
Tiên phong thay đổi
Tại Quảng Ninh, việc áp dụng công nghệ vào giáo dục đang được tích cực triển khai, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Ghi nhận ở Trường Tiểu học Hạ Long, nhờ tập trung chuyển đổi số trong dạy học, các tiết học của cô và trò trở nên hào hứng, hiệu quả hơn. 100% giáo viên trong Trường đã đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục.
Quan sát tại lớp 4A5, Trường Tiểu học Hạ Long do cô giáo Ngô Thị Thái giảng dạy, chúng tôi thấy việc ôn tập và kiểm tra của lớp khá hiệu quả, thú vị. Học sinh cười nhiều hơn, thoải mái hơn, khác hẳn với các tiết kiểm tra miệng, kiểm tra viết với không khí im ắng, hồi hộp thông thường. Các em học sinh được cung cấp 1 tờ giấy A4 màu hồng, trên đó in hình có 4 cạnh tương ứng với 4 đáp án A, B, C, D. Ở mỗi câu hỏi, học sinh chọn đáp án nào thì quay cạnh có đáp án đó lên phía trên, còn giáo viên thì dùng điện thoại quét đọc đáp án. Với một chiếc điện thoại thông minh và máy tính kết nối mạng Internet, nhờ ứng dụng Plickers, cô giáo có thể cùng lúc kiểm tra kiến thức của tất cả học sinh trong lớp học, theo hình thức trắc nghiệm.
Cô giáo Thái chia sẻ: Ứng dụng Plickers giúp tổ chức ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm trong lớp học hiệu quả hơn, học sinh cũng hào hứng hơn. Phần mềm giúp giáo viên thống kê lại tất cả các câu trả lời của các em, đúng hay sai, với tỷ lệ phần trăm rất rõ. Thông qua đó chúng tôi có thể nắm bắt được tình hình nhận thức, kiến thức của học sinh, có những biện pháp kịp thời để giúp đỡ những học sinh có câu trả lời chưa đúng.
Phí Thị Minh Hằng, học sinh lớp 4A5, Trường Tiểu học Hạ Long, hào hứng kể cho chúng tôi về tiết học thú vị của mình: "Chúng em được kiểm tra trắc nghiệm bằng ứng dụng Plicker ở các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học và nhiều môn khác nữa. Với ứng dụng này thì bạn nào cũng phải làm bài, sai ở đâu cô giáo sửa ngay, nên giúp chúng em nhớ kiến thức hơn".
Ở khối ngoài công lập, Trường TH,THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hạ Long) luôn nỗ lực để tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào dạy và học. Từ năm 2020, để phục vụ ứng dụng CNTT trong giảng dạy, Hội đồng quản trị nhà trường trang bị 100% các phòng học có bảng tương tác thông minh, smart TV, máy chiếu. Sự đầu tư theo hướng đủ, đồng bộ và hiện đại đã thúc đẩy việc chuyển đổi số, giúp học sinh học tốt môn Tin học, sử dụng máy tính hiệu quả, tích cực tham gia học online, các cuộc thi giải Toán, Tiếng Anh qua mạng internet.
Cô giáo Vũ Thị Thùy Dương, Hiệu phó Trường TH,THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: Cấp tiểu học và THCS, giáo viên đã bước đầu khai thác và sử dụng hiệu quả các thí nghiệm ảo, vừa đảm bảo chất lượng học, vừa an toàn cho giáo viên, học sinh. Nhà trường cũng đặt ra yêu cầu giáo viên rà soát, sưu tầm các học liệu điện tử để đưa vào áp dụng qua môi trường mạng, thay thế các đồ dùng dạy và học truyền thống.
Các trường học miền núi, vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn, thời gian qua cũng rất nỗ lực ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy. Ở các điểm lẻ xa trung tâm, nhờ sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các địa phương, những tiết học của cô và trò đã sinh động, thú vị hơn. Đặc biệt, những giờ học Tiếng Anh của nhiều điểm trường lẻ đã có sự hỗ trợ của máy chiếu, ti vi - điều mà trước đây hầu như không có, vì đa số giáo viên ngoại ngữ "dạy chay" với chiếc loa cá nhân.
Cô giáo Phạm Thùy Dương, Trường Tiểu học Đồng Tâm (huyện Bình Liêu), chia sẻ: "Tôi đang đảm nhiệm dạy Tiếng Anh tại 4/7 điểm trường lẻ, đường sá đi lại rất xa xôi. Nhờ có máy chiếu, ti vi nên tiết học của tôi hiệu quả hơn nhiều. Trong các tiết dạy, tôi có thể lồng ghép các trò chơi hay tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành để các em thêm hứng thú với môn học này".
Cách làm bài bản, đồng bộ
Việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tỉnh được thực hiện khá bài bản, có sự chỉ đạo sát sao của tỉnh. Trong năm 2022, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn hướng dẫn khai thác kho video bài giảng của tỉnh; kho bài giảng, kho học liệu số của Bộ GD&ĐT. Sở tích cực triển khai các đợt tập huấn xây dựng học liệu số, sử dụng hệ thống LMS trong dạy học thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới cho 994 cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT, 1.352 cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS, hơn 500 cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học.
Từ năm học 2021-2022, 100% các cơ sở giáo dục đã thực hiện tuyển sinh trực tuyến lớp 10 THPT. Theo đó, học sinh, cha mẹ học sinh trực tiếp cập nhật thông tin, nhu cầu, nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 trên nền tảng phần mềm tuyển sinh online của Sở GD&ĐT.
Đến nay, 100% thông tin của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên, trẻ em của các cơ sở giáo dục được quản lý trên hệ thống quản lý trường học trực tuyến, thực hiện có hiệu quả sổ điểm điện tử, học bạ điện tử trên hệ thống phần mềm SMAS được cung cấp. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức xây dựng kho video bài giảng từ lớp 1 đến lớp 12 với 4.887 bài giảng ở tất cả các cấp học.
Thực hiện chuyển đổi số, Sở GD&ĐT còn triển khai tới các cơ sở giáo dục thanh toán không dùng tiền mặt. Đến hết năm 2022 có 88,5% số cơ sở giáo dục thanh toán học phí không dùng tiền mặt, vượt 38,5% so với chỉ tiêu đề ra.
Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Theo đó mục tiêu là: 100% các trường học trên địa bàn tỉnh (từ cấp học phổ thông đến đại học, cơ sở đào tạo nghề) có nội dung chuyển đổi số được lồng ghép, tích hợp trong chương trình giảng dạy; 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, trực tiếp; 10% số cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS)/hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (LCMS)...
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()