Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 08:43 (GMT +7)
Sửa thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cần nâng lên 16-18 triệu đồng
Thứ 4, 27/11/2024 | 09:55:49 [GMT +7] A A
Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh “quá cao” sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao”. Bộ này cũng đề xuất bổ sung giảm trừ cho các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.
Đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Trong đó nêu rõ, thời gian qua có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân, nhiều người lao động đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế.
Có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn; cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...
Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay, cần phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện mới.
Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới.
“Mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế TNCN trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập) và vô hình chung sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây. Có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”, Bộ Tài chính đề xuất.
Bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù để hỗ trợ người nộp thuế
Nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng thuế cho người nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo vào diện được giảm trừ.
Điều 20 Luật Thuế TNCN hiện hành quy định, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm: khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.
“Hiện nay, việc hình thành và mở rộng các quỹ xã hội, quỹ từ thiện là giải pháp để giúp Chính phủ hỗ trợ phúc lợi cho các đối tượng yếu thế, trong đó các nguồn quỹ được hình thành từ sự huy động, đóng góp của người dân, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã góp phần thực hiện tốt các chính sách đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, bão lũ… thời gian qua. Do vậy, việc rà soát để bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp được giảm trừ là cần thiết”, Bộ Tài chính phân tích.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, hầu hết pháp luật thuế TNCN của các nước đều có quy định về việc giảm trừ theo các hình thức và cách thức khác nhau. Về phân loại, các nước thường chia thành ba nhóm sau: giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc, như giảm trừ cho con, cho vợ hoặc chồng, cho bố, mẹ...; các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (ví dụ, giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục…).
Các khoản giảm trừ đặc thù là các khoản giảm trừ mà người nộp thuế được hưởng khi đáp ứng được một số tiêu chí nhất định, ví dụ như chi tiêu cho các khoản mà Nhà nước khuyến khích (ví dụ cho y tế, giáo dục…). Theo đó, phạm vi các khoản giảm trừ này ở các nước cũng rất đa dạng. Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này; có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, chi phí giáo dục của con hoặc có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp... (Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia...).
Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng cần thiết phải rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế. Tuy nhiên, phạm vi các khoản chi được giảm trừ và mức độ được giảm trừ cần phải được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN dưới phương diện là một công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại.
Theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN. Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Với mức giảm trừ này, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN. |
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()