Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:43 (GMT +7)
Sửa quy định để ngăn xe tải chở hàng cẩu thả
Thứ 6, 24/03/2023 | 09:06:27 [GMT +7] A A
Trên thực tế, các vụ tai nạn liên quan đến các xe chở hàng cẩu thả, chằng buộc sơ sài vẫn diễn ra.
Thời gian qua, cả nước xảy ra rất nhiều vụ xe đầu kéo, xe tải chở các khối bê tông, sắt thép nặng không được chằng buộc cẩn thận nghênh ngang diễu phố. Những chiếc xe này mỗi khi xuất hiện lại khiến người đi đường khiếp vía.
Thiếu quy định cụ thể
Ngày 13/3 vừa qua, cuộn thép cả chục tấn bất ngờ rơi xuống từ một xe đầu kéo đè bẹp rúm một xe con đang đỗ trên vỉa hè tại thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất, Hà Nội) gây bất bình trong dư luận.
Trước đó, ngày 6/1/2023 trên QL51 đoạn qua địa bàn xã Phước Bình (tỉnh Đồng Nai) cũng xảy ra vụ việc tương tự khi một cuộn thép bất ngờ lao vọt qua cả cabin xe đầu kéo sau khi bị đứt xích chằng do tài xế xe này phanh gấp…
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật, quy định hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường… đã có từ lâu.
Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ tai nạn liên quan đến các xe chở hàng cẩu thả, chằng buộc sơ sài vẫn diễn ra.
Dù quy định đã có, song theo luật sư Bình, một trong những nguyên nhân các vụ tai nạn liên quan đến xe chở hàng chằng buộc sơ sài vẫn diễn ra là do mức phạt hiện nay quá nhẹ, chỉ từ 600.000 - 800.000 đồng.
Vì thế, cần phải tăng nặng mức phạt mới đủ răn đe. Nếu không, hậu quả đối với những vụ tai nạn như vậy sẽ rất lớn.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT nhận định, dù đã có quy định nhưng hiện vẫn thiếu quy trình chuyên nghiệp về việc chằng buộc cố định hàng hoá trên xe.
Việc chằng buộc thường tiến hành thủ công dựa trên kinh nghiệm và cảm nhận của người xếp hàng. Ngoài ra, còn do lái xe thiếu kinh nghiệm khi phanh hay vào cua gấp, khiến hàng hóa trên xe rơi xuống đường.
Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, hiện chưa có quy định riêng về việc chằng buộc thép cuộn - một loại hàng hóa đặc biệt - mà chỉ có quy định chung về xếp hàng hóa trên xe. Do đó, khi kiểm tra các phương tiện chở loại hàng này, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
“Nhận định chằng buộc không chắc chắn cũng chỉ dựa theo quan sát bằng mắt thường, mang tính chủ quan và không có cơ sở để đối chiếu nên gây nhiều tranh cãi với tài xế khi xử lý. Còn khi đã xảy ra tai nạn mới kết luận thì đã quá muộn”, Thiếu tá Chinh nêu thực tế và đề xuất, nên có quy định giới hạn tốc độ tối đa đối với các phương tiện chở thép cuộn, hàng hóa nặng, đặc biệt khi lưu thông ở những khu vực đông dân cư, đường liên tỉnh, theo hướng thấp hơn so với các phương tiện thông thường.
Sửa quy định ngăn hiểm họa
TS. Hiếu cho hay, hiện nay ở Việt Nam không có phương tiện chuyên dụng để chuyên chở loại hàng hóa kiểu như thép cuộn. Ở góc độ quy định pháp luật, việc chuyên chở thép cuộn được coi như vận chuyển hàng hóa thông thường.
Trong khi đó, tại các nước phát triển quy định rất chặt chẽ về chằng buộc thép cuộn khi vận chuyển. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, người ta thường sử dụng các phương tiện chuyên dụng như sơmi-rơmóoc có khoảng trũng để đặt cuộn thép, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ trôi về phía trước, sau. Việc kiểm soát vận chuyển được tiến hành chặt chẽ, mức xử phạt cao nếu không đáp ứng yêu cầu an toàn.
“Ở nước ngoài, việc vận chuyển thép cuộn bằng xe tải, xe đầu kéo chủ yếu được thực hiện ở chặng đầu, cuối với cự ly không quá lớn, còn chặng chính thường được vận chuyển bằng các phương tiện có khả năng tách biệt khỏi dòng giao thông hỗn hợp, như đường sắt”, TS. Hiếu dẫn chứng.
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong Thông tư 35/2013 của Bộ GTVT quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ hiện không quy định rõ đối với loại hàng hóa là thép cuộn, dẫn đến khó khăn trong xử lý vi phạm, ngăn ngừa TNGT.
Trong cuộc họp về trật tự ATGT cuối năm 2022, Ủy ban ATGT Quốc gia đã chỉ ra những tồn tại, bất cập trên và đề xuất sửa đổi Thông tư 35 theo hướng quy định rõ yêu cầu về xếp hàng hóa trên xe ô tô với các loại hàng đặc biệt, trong đó có thép cuộn.
“Theo đó, có thể yêu cầu phải sử dụng xe chuyên dụng hoặc bắt buộc phải có thiết bị hỗ trợ cố định loại hàng này trên xe. Mỗi cuộn thép trung bình có trọng lượng từ vài tấn đến chục tấn, nếu không chằng buộc chắc chắn, khi phanh gấp hay vào cua sẽ gây ra tai nạn, hậu quả rất lớn”, ông Công nói và cho biết, trước mắt, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị có những chỉ đạo để nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, lái xe khi chằng buộc các loại hàng hóa trên trong quá trình chờ sửa đổi, bổ sung quy định mới.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ GTVT đã đưa việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 35 vào kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023. Đồng thời, giao Cục Đường bộ VN nghiên cứu, xây dựng dự thảo, dự kiến trình Bộ GTVT trong tháng 4/2023.
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý đảm bảo chấp hành đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.
Theo Bộ GTVT, vừa qua, tại một số địa phương có hiện tượng xe kinh doanh vận tải chở hàng hóa, nguyên vật liệu quá khổ, quá tải, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng như tôn - thép cuộn, cống hộp, ống cọc bê tông không được chằng buộc và chèn chống theo quy định, gây TNGT.
Từ thực tế trên, Bộ GTVT yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, các quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông tại Thông tư số 35/2013; kiểm tra việc thực hiện quy định kết hợp với cao điểm xử lý vi phạm tải trọng phương tiện.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()