Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:23 (GMT +7)
Sửa nội dung sao kê, chiếm đoạt tiền ủng hộ bị xử lý ra sao?
Thứ 7, 14/09/2024 | 08:33:59 [GMT +7] A A
Sửa thông tin sao kê chuyển khoản đăng lên mạng xã hội có thể bị xử phạt; chiếm đoạt tiền ủng hộ cứu trợ bão lũ có thể bị xử lý hình sự.
Vừa qua, nhiều trường hợp có hành vi làm sai lệch thông tin chuyển khoản, sau đó đăng tải lên mạng xã hội về số tiền ủng hộ người dân miền Bắc bị ảnh hưởng do bão lũ, đã khiến nhiều người bức xúc.
Khi danh sách chuyển khoản đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào miền Bắc ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ được công khai vào ngày 12.9, người dân đã phát hiện nhiều trường hợp chuyển khoản thực tế không đúng, ít hơn rất nhiều so với số tiền được đăng tải, khoe trên mạng xã hội.
Ngày 13.9, trao đổi với phóng viên, luật sư Đặng Thành Trí (Công ty Luật TNHH Đặng Thành - Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, trường hợp đăng tải sao kê đã chỉnh sửa lên mạng xã hội dẫn đến có khả năng gây hiểu lầm cho người khác, làm ảnh hưởng tới uy tín của đơn vị tiếp nhận; hoặc cá nhân, đơn vị liên quan..., có thể bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính, nếu có đầy đủ căn cứ.
Theo Luật sư Trí, giả sử nếu một trường hợp thực tế chuyển khoản chỉ 100.000 đồng, nhưng chỉnh sửa và đăng tải lên mạng xã hội đã chuyển khoản 100 triệu đồng, sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị tiếp nhận. Bởi khi đó, có thể bị người khác nhận định đơn vị tiếp nhận rằng: "đã nhận số tiền 100 triệu đồng mà chỉ cứu trợ 100.000 đồng"...
Hoặc nếu có trường hợp giả tên của tập thể, đơn vị khác để chuyển khoản với số tiền rất nhỏ, cũng có khả năng gây phản cảm, ảnh hưởng đối với hình ảnh của tập thể, đơn vị đó. Nhất là trong tình trạng cả nước đang rất quan tâm, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho người dân miền Bắc vượt qua giai đoạn khó khăn.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 4; Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.
Còn trường hợp tiếp nhận tiền từ thiện, cứu trợ hỗ trợ, nhưng không thực hiện đúng cam kết, không trả lại số tiền đã tiếp nhận mà dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt... có thể bị truy tố về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự.
Người phạm tội có thể bị phạt lên đến 20 năm tù tùy theo số tiền chiếm đoạt. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()