Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:29 (GMT +7)
Sửa luật, dùng công nghệ dẹp xe trá hình
Thứ 7, 29/07/2023 | 07:05:54 [GMT +7] A A
Với số lượng xe hợp đồng gấp 14 lần xe khách tuyến cố định, việc siết chặt quy định, ứng dụng công nghệ để quản lý là nhu cầu cấp thiết.
Bộc lộ nhiều bất cập
Theo Luật Giao thông đường bộ, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm: vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch.
Đánh giá sau 15 năm thực hiện luật, Bộ GTVT cho rằng, việc phân định 5 loại hình đang bộc lộ nhiều bất cập.
Một số phương thức kinh doanh vận tải mới xuất hiện đã gây ra nhiều tranh cãi trong việc xác định loại hình. Nhiều loại hình kinh doanh vận tải chồng chéo, khó phân định hình thức và điều kiện kinh doanh.
Theo thống kê mới nhất của Cục Đường bộ VN, cả nước hiện có hơn 17.600 xe tuyến cố định, chiếm 5,21% tổng số xe kinh doanh vận tải khách, còn xe hợp đồng có đến gần 240.000 xe, chiếm hơn 70% (gấp 14 lần so với xe tuyến cố định).
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính việc chia nhỏ loại hình như hiện nay đã khiến xe hợp đồng trá hình bùng phát, lợi dụng chạy như tuyến cố định, đẩy nhiều doanh nghiệp tuyến cố định vào nguy cơ phá sản.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, định nghĩa vận tải khách theo hợp đồng, xe taxi, xe buýt, không còn phù hợp.
Trong khi mâu thuẫn giữa xe taxi với xe hợp đồng dưới 9 chỗ đã cơ bản được giải quyết tại Nghị định 10/2020 thì vấn đề nóng trong vận tải hiện nay là mâu thuẫn trong quản lý xe hợp đồng trá hình với xe tuyến cố định.
Cụ thể, điều kiện kinh doanh tuyến cố định chặt chẽ, điều kiện kinh doanh hợp đồng lại lỏng lẻo, từ đó xe dù, bến cóc bùng phát gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Trong khi loại hình tuyến cố định nộp thuế đầy đủ, xe hợp đồng trá hình lách được nhiều khoản thuế khiến nhà nước thất thu.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ VN) cho rằng, xe tuyến cố định phải vào bến, chịu nhiều điều kiện ràng buộc, trong khi đó xe trá hình (limousine) không vào bến, đang thu hút được hành khách về sự tiện lợi, chạy luồn lách sâu trong nội đô đón trả tận nhà…
Nên kiểm soát theo địa giới từ tỉnh đến tỉnh?
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, hình thức nộp thuế khoán đối với cả xe tuyến cố định và xe hợp đồng không đảm bảo công bằng.
Xe tuyến cố định tối đa chỉ chạy được 2 chuyến/ngày theo giờ, trong khi xe hợp đồng limousine có thể chạy 4 chuyến/ngày vào bất kỳ giờ nào. Xe chạy nhiều hơn nhưng lại thu thuế giống với xe chạy ít hơn. Điểm bất hợp lý này khiến cho doanh nghiệp chuyển hết sang chạy hợp đồng.
“Phải tạo hành lang pháp lý để các loại hình vận tải giống nhau phải nằm trên cùng một mặt bằng chung về điều kiện kinh doanh. Có thể gọi hai loại hình này một tên hoặc là xe vận tải liên tỉnh”, ông Sùa góp ý.
Còn ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, theo quy định tại Nghị định 10/2020, xe hợp đồng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị. Dù vậy, doanh nghiệp có đủ cách để lách luật, tiêu biểu là việc thay đổi điểm trả khách.
Đồng tình với các phân tích trên, một chuyên gia giao thông phân tích, thay vì xác định điểm đầu/điểm cuối theo phạm vi tuyến phố, ngõ hẻm, tới đây khi sửa đổi quy định cần xác định điểm đầu/điểm cuối theo địa giới hành chính, xe chạy từ tỉnh đến tỉnh không được trùng quá 30% tổng số chuyến trong tháng. Chỉ khi xác định địa giới hành chính trùng lặp như vậy, cùng với thiết bị giám sát hành trình mới quản được xe hợp đồng limousine.
Trong dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất phân loại kinh doanh vận tải hành khách xếp lại thành 4 loại hình gồm: vận tải tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (ghép từ vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải hành khách du lịch) và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới.
Theo Bộ GTVT, việc phân chia này sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bình đẳng giữa các loại hình vận tải.
Ông Đỗ Công Thủy cho hay, tại dự thảo lần này, Cục Đường bộ VN đã đề xuất bổ sung thêm điều khoản “có cơ chế, chính sách để phát triển hài hòa các loại hình kinh doanh vận tải”.
“Sau khi Luật ban hành, các cơ chế, chính sách sẽ được cụ thể hóa tại nghị định. Trong đó, đưa ra các chính sách ưu tiên cho tuyến cố định, tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình. Các chính sách này tương tự như cơ chế chính sách phát triển xe buýt đang được thực hiện”, ông Thủy cho biết.
Nói về đề xuất kiểm soát xe hợp đồng có số chuyến lặp đi, lặp lại theo địa giới cấp tỉnh, ông Thủy cho hay: “Nếu xác định xe chạy trùng lặp theo địa giới hành chính tỉnh cùng với thiết bị giám sát hành trình sẽ kiểm soát được hoạt động của xe hợp đồng trá hình. Cục sẽ kết hợp nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp kiểm soát thuế để đảm bảo công bằng”, ông Thủy nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, Cục đã xây dựng và trình Bộ GTVT phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ. Cùng với xây dựng đề án, sẽ sửa đổi lại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường bộ, phù hợp với ứng dụng công nghệ.
“Theo đề án, Cục sẽ xây dựng phần mềm thiết bị giám sát hành trình thông minh hơn để giám sát trực tuyến hành vi lái xe, chủ xe. Một xe kinh doanh vận tải sẽ được song kiểm, dữ liệu truyền online về các sở GTVT để xử lý ngay hành vi vi phạm trước khi gây hậu quả”, ông Cường cho hay.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()