Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:01 (GMT +7)
Sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ
Thứ 4, 15/06/2022 | 21:22:36 [GMT +7] A A
Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 15/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Tán thành với sự cần thiết ban hành dự án Luật, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số đồng thời bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận là việc giới hạn tổng độ rộng băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng một trong những mục tiêu cốt lõi được nêu tại Đại hội XIII của Đảng là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
"Việc giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng liệu có làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, gây ảnh hưởng đến phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không?" - đại biểu băn khoăn.
Theo đại biểu, để đảm bảo công bằng, thúc đẩy tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, thay vì quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng, dự thảo Luật cần bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết và đầy đủ về: Tiêu chí, điều kiện trường hợp doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua ba hình thức cấp phép; nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông; các biện pháp quản lý nhà nước đảm bảo được thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông và chế tài xử lý vi phạm hành chính khi doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết.
Trong trường hợp vẫn giữ nguyên quy định theo hướng giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc và tiêu chí xác định hạn mức.
Ví dụ như xác định trên cơ sở quy mô doanh nghiệp, năng lực đầu tư, vốn đầu tư hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, mức độ công nghệ đang sở hữu, năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm tăng tính minh bạch trong quản lý Nhà nước.
Cơ bản tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn, tổng độ rộng băng tần doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) chỉ rõ điều này được khẳng định qua thực tiễn và nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về phân bổ được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất.
Đại biểu phân tích, thực tế tại Việt Nam, nhu cầu tần số của mỗi nhà mạng khác nhau, phụ thuộc vào số lượng thị phần thuê bao. Việc quy định giới hạn có thể dẫn đến không đủ tài nguyên tần số, doanh nghiệp cần ít lại được cấp nhiều tần số, doanh nghiệp cần nhiều thì lại không có, gây lãng phí tài nguyên.
Mặt khác, khi công nghệ ngày càng phát triển, quỹ băng tần ngày càng mở rộng trên các băng tầng cao, việc quy định giới hạn có thể gây khó khăn cho việc xác định được tỷ lệ băng tần được cấp cho mỗi nhà mạng. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện xác định hạn mức sử dụng băng tần để doanh nghiệp căn cứ vào đó thực hiện.
Dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định về ba phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gồm cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành (khoản 1 Điều 18).
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là phương thức công khai, minh bạch, công bằng, cho phép tối đa hóa nguồn thu và phản ánh chính xác nhất giá trị kinh tế của băng tần. Theo Tờ trình của Chính phủ, có 78/132 nước đã sử dụng phương thức đấu giá. Ở Việt Nam, phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành, Luật Đấu giá tài sản năm 2016... tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện trên thực tế.
Dự thảo Luật quy định phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có thể áp dụng đối với 2 trường hợp. Đó là băng tần có giá trị thương mại cao, bao gồm nhưng không giới hạn băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất. Trường hợp thứ hai đó là kênh tần số có giá trị thương mại cao và có nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Để đảm bảo tính phù hợp, tính thống nhất, tính khả thi của quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ hơn, giải trình vướng mắc tại sao qua hơn 13 năm thi hành Luật Tần số vô tuyến điện mà chính sách này chưa được thực hiện; nguyên nhân của vướng mắc do đâu, bất cập như thế nào? Đồng thời, cần có dự báo tác động toàn diện của chính sách đến kinh tế-xã hội, lợi ích của các doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện hơn các quy định để bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Viễn thông; Luật Đấu giá tài sản; Luật Phí, lệ phí; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.../.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()